04.2022 – Đọc gì – Nghe gì – Xem gì?

Tháng 04 này mình đọc gì, nghe gì xem gì? Mình nghĩ về nghề nghiệp mình chọn. Dù lựa chọn học Dược hay Y, trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh luôn bên cạnh. Chỉ qua hai năm COVID – 19 hoành hành, mình đã cảm nhận được những khốc liệt mà nhân viên y tế phải gánh vác, cảm thấy ngưỡng mộ những “chiến binh áo trắng” thật nhiều.

Với các công việc mình đã từng làm qua, dù không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiều, nhưng mình được giao tiếp, nói chuyện, tâm sự với rất nhiều các Thầy, các anh/chị bác sĩ trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Và thực sự những điều mình nhận được về công việc chỉ là một phần nhỏ. Những điều to lớn hơn để tạo nên mình ngày hôm nay là học hỏi từ những tâm sự, bài học từ các anh chị đi trước, chuyện đời, chuyện nghề, và cả những niềm vui với nụ cười nhỏ nhỏ mỗi ngày đi làm về.

Tháng 04 mình chọn đọc, chọn nghe những cuốn sách và phim liên quan đến chuyên ngành mình học và làm – Y Dược. Mình nhận thấy khi cảm nhận nhiều, hiểu càng nhiều những vất vả, những cống hiến của đồng nghiệp mình trong việc cứu chữa người bệnh, chăm sóc bệnh nhân, sự đồng cảm sẽ mang mỗi người đến gần nhau hơn.

Bài viết không bao gồm các sách chuyên ngành về Y Dược. Mình chỉ đọc đến những hồi kí, tự truyện hoặc phim thường thức để tự cảm nhận.

When Breath Becomes Air (Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không) – Paul Kalanithi

Đây là cuốn sách mình được giới thiệu từ một đồng nghiệp. Dù mình sống cho hiện tại, chưa nghĩ xa xôi gì về cái chết, mình vẫn muốn cảm nhận được tinh thần của tác giả – người vừa là “thiên thần” chữa bệnh, vừa là “bệnh nhân”. Hiện tại sách được bán với hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Mình đã quyết định chọn bản tiếng Anh để vừa đọc vừa tra từ cho mệt chơi 😀 Dù tốc độ đọc chậm lại, việc đọc một quyển sách tiếng Anh cho mình cảm hứng, giúp mình kiên nhẫn hơn 😀

Paul Kalanithi là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và yêu thích văn chương. When Breath Becomes Air là tự truyện, là cuốn hồi kí dang dở của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi. Nội dung xuyên suốt câu chuyện là những suy ngẫm về sự sống và cái chết của vị bác sĩ trẻ 37 tuổi đang trên đỉnh cao sự nghiệp.

Câu chuyện hành trình cuộc đời anh là các trải nghiệm và triết lí sống từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân, đến khi phát hiện mình bị ung thư, phải điều trị lâu dài và cuối cùng là đối mặt với cái chết. Việc đi tìm lẽ sống cho cuộc đời của bản thân là trở thành bác sĩ nội trú, một nhà văn và một người cha, với nhiều người phải mất cả 10 -20 năm, chỉ được anh gói gọn trong cuộc chạy đua 3 năm. Đây là giai đoạn anh cảm thấy mình thực sự sống với không một lời than vãn, không có sự buông xuôi, tận hưởng những ngày cuối và hoàn thành được các mong ước của bản thân.

Mình thực sự được truyền cảm hứng với sự chân thực, thành thật của tác giả khi anh đề cập tới những thất bại, những bất lực, bi kịch mà bác sĩ phải chịu đựng khi điều trị cho bệnh nhân hay cả sự đối mặt với sự thật khó chấp nhận rằng mình bị bệnh nan y. Và sách cho mình suy nghĩ rằng: Muốn làm gì thì hãy làm đi, dù dang dở hay thất bại mình vẫn được sống với ước mơ của mình. Và hãy coi trọng sức khoẻ của bản thân ngay từ khi còn trẻ.

Từ ngữ của mình không thể mô tả hết sự “chân thành” và “chân thực” ấy. Chỉ khi đọc rồi bạn mới cảm nhận được những cảm xúc thật và sự đồng cảm sâu sắc nơi người bác sĩ ấy. Nếu bạn học Y Dựợc, bạn có thể tự thưởng một bản cứng cuốn sách cho bản thân trên giá sách của bạn. Tin mình đi và tìm đọc nhé, mình hứa là bạn sẽ không thất vọng đâu.

Để Yên Cho Bác Sĩ “Hiền” – BS Ngô Đức Hùng

Để Yên Cho Bác Sĩ “Hiền” là cuốn tự truyện về ngành Y của bác sĩ Ngô Đức Hùng (Đốc tờ Húng Ngò) . Đọc sách như là cách mình ủng hộ cây bút của ngành, học thêm về trải nghiệm, công việc của anh cũng như bác sĩ nói chung và cả về cuộc đời anh.

Cuốn sách sử dụng các ngôn từ dễ hiểu, giản dị, có lúc hài hước, có lúc cảm động, nhẹ nhàng. Với gần 250 trang sách, điều làm mình thích ở cuốn sách này là các câu chuyện được kể một cách chân thực, giản dị, không giáo điều. Sách gồm 4 chương: nghiệp bác sĩ, nghề bác sĩ, câu chuyện cuộc đời và bản thân tác giả. Bên cạnh những giây phút vui vẻ và hạnh phúc nhỏ trong công việc, những thực tế, đau xót trong nghề Y hay tác động của công viêc đến cuộc sống hàng ngày của gia đình được anh đề cập trong cuốn sách là điều chạm đến trái tim mình. Đôi lúc, nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, vv) phải lựa chọn ưu tiên chăm sóc người bệnh hơn những niềm vui riêng hay ở bên gia đình những lúc cần thiết.

Sách cho mình những giây phút được sống chậm một chút, lắng nghe và cảm nhận nhiều hơn. Mình cẩn trọng hơn trong suy nghĩ, và thấu hiểu hơn những nỗ lực của các nhân viên y tế, đặc biệt là người thân của mình, những bác sĩ mình đã từng có cơ hội làm việc cùng như bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ tim mạch, bác sĩ ung thư… Mình ngưỡng mộ mọi người đang từng giây từng phút chiến đấu giữ lại sự sống, chăm sóc cho bệnh nhân. Hiểu được khó khăn và áp lực của một người bác sĩ, người đồng nghiệp cho mình sự đồng cảm khi làm việc cùng họ và thêm niềm tin và tự hào về công việc của mình.

“Mỗi người giống như một thuyền nhân đang lênh đênh trong cuộc đời này. Một số ít họ cập bến được với sự bình yên, còn lại vẫn đang vùng vẫy với cuộc sống, với những mưu sinh đè nặng trên đôi vai.”

Series Hospital Playlist (Chuyện đời bác sĩ)

Dù mình đã xem qua nhưng vì ấn tượng với bộ phim nên mình quyết định sẽ nhắc đến trong bài viết của mình. Series Hospital Playlist là bộ phim y khoa Hàn Quốc với thông điệp “chữa lành”. Cốt truyện của phim nói về cuộc đời của 5 bác sĩ là bạn thân từ đại học có đam mê với ngành Y và cùng nhau tổ chức nên một nhóm nhạc.

Nội dung tập trung vào những điều xảy ra thường ngày trong cuộc sống tại bệnh viện với những niềm vui, nỗi buồn, nụ cười và nước mắt, sự sống và cái chết, hi vọng và tiếc nuối. Xen kẽ những giây phút căng thẳng, phim có nhiều khoảnh khắc hài hước của hội bạn thân với những tình huống, khoảnh khắc nhẹ nhàng xoay quanh tình bạn, tình thân, tình yêu.

Điều mình thích là phim không thần thánh hoá vai trò của bác sĩ. Họ cũng là con người, cũng cần cố gắng, cũng có lỗi lầm, cũng có bất lực trong cuộc sống. Họ chỉ đang và sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ và bảo vệ bệnh nhân của mình. Tất nhiên diễn viên đẹp, cảnh quay lãng mạn chạm đến trái tim là điều miễn bàn rồi. Mình ghiền luôn. Hihi. Nếu bạn chưa xem thì xem nhé. 😀

Series The Good Doctor (Bác sĩ thiên tài)

The Good Doctor kể về Shaun Murphy, một chàng trai có đồng thời căn bệnh tự kỉ (tình trạng tâm lí với biểu hiện khó khăn giao tiếp) và hội chứng Savant (kỹ năng thiên tài với trí nhớ và trí thông minh về cảm nhận không gian). Với căn bệnh của mình, cậu không được coi là bình thường như các bác sĩ khác. Tuy vậy, cậu đã cố gắng vượt qua tất cả, thể hiện tài năng, chữa bệnh cho bệnh nhân và được mọi người công nhận.

Điều mình ấn tượng là mỗi nhân vật khác nhau có những tài năng, sở trường khác nhau và đều toả sáng, vì một mục tiêu cuối cùng là cứu bệnh nhân. Hình ảnh bệnh nhân với bệnh tật nguy hiểm, cảm xúc hay vấn đề tiền bạc – sức khoẻ cho mình cảm nhận rõ nhất về niềm hạnh phúc hiện tại và biết ơn sức khoẻ của bản thân.

May quá học xong rồi mới xem, chứ lớp 12 mà xem thì chắc mình không thi đại học luôn quá 😀

Daily Calm: 10-Minute Meditations

Mỗi ngày 10 phút thiền với các video 10-Minute Meditations của Calm giúp mình khởi đầu ngày mới hiệu quả hơn và tập trung hơn. 😀

Dược sĩ có thể làm gì sau khi ra trường? – Vũ Ngọc Oanh

Nói chuyện Y hoài nhưng sao không thấy đề cập gì đến Dược nhỉ. Bạn có thể tìm hiểu các công việc một Dược sĩ ra trường có thể làm với hai bài viết trước của mình để định hướng thêm về công việc tương lai hoặc thay đổi công việc bạn thích nhé.

Mình đã bổ sung thêm Market Access trong phần 2 để bạn tìm hiểu thêm nhánh công việc này nhé.

DƯỢC SĨ CÓ THỂ LÀM GÌ SAU KHI RA TRƯỜNG? – Phần 2

DƯỢC SĨ CÓ THỂ LÀM GÌ SAU KHI RA TRƯỜNG? – Phần 1

Kết bài với câu nói về ngành Y trong cuốn sách Người Trong Muôn Nghề

“Ngành nào cũng có khó khăn và vất vả riêng, sao có thể so sánh như vậy được? Quan trọng là chúng ta đã lựa chọn con đường của mình thì dù có thể nào cũng phải làm cho thật tốt. Có đói, có nghèo, có bị chửi oan, có ấm ức ra sao thì cũng lặng lẽ mà làm công việc của mình thôi… Mà thật ra đã sống trên đời thì ai cũng khổ cả thôi, biết gạt cái khổ của bản thân ra một bên mà nghĩ cho những cái khổ của người khác thì cuộc sống chẳng dễ chịu hơn sao?” – Minh Tuấn

Bạn có thể đọc [Review sách] NGƯỜI TRONG MUÔN NGHỀ  của mình và mua sách đọc thêm nhé.

Nhân bài viết này mình cũng muốn gửi lời chào, lời cảm ơn, biết ơn tới các đồng nghiệp của mình, các dược sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế.

Chúc cho mọi người mãi “chân cứng đá mềm” trong hành trình chăm sóc sức khoẻ người bệnh hôm nay và ngày mai.

Gửi yêu thương!

Stay positive, be present!

Oanh

 

 

 

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *