Dược Sĩ Có Thể Làm Gì Sau Khi Ra Trường? – Phần 1

Khi chọn bất cứ ngành học nào, bản thân mỗi người sẽ nhận được câu hỏi từ mọi người xung quanh và ngay cả từ chính bản thân mình rằng “Học ngành nghề A thì sau này ra làm việc gì?”. Nhớ lại câu hỏi của các cô các bác, của bạn bè khi mình mới thi vào đại học Y Dược, suy nghĩ lúc đó của mình chỉ là học Dược sau ra trường mở tiệm thuốc và bán thuốc. :)) Sau này khi hoàn thành xong 5 năm học và đã đi làm, bản thân mình và các bạn của mình đều có những hướng rẽ khác nhau về con đường nghề nghiệp, và đều thấy có những niềm vui với nghề.

Vì mình khởi đầu công việc với công ty Dược, mình có thể không thể nắm hết được các nhánh công việc khác. Tuy vậy, trong bài viết này, mình vẫn sẽ đề cập đến những công việc tổng quát mà một dược sĩ ra trường có thể làm và theo đuổi nghề nghiệp riêng của bản thân. Từ đó, mình mong muốn gửi tới bạn một cái nhìn rộng hơn về cơ hội và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn là sinh viên Dược nhé.

Cùng mình tìm hiểu thêm dưới đây nha.

Giảng viên các trường Y Dược

Sau khi tốt nghiệp ra trường, nếu bạn yêu thích truyền đạt và mong muốn cập nhật các kiến thức cho các bạn sinh viên, giảng dạy có thể phù hợp với bạn. Công việc có thể bao gồm: xây dựng kế hoạch dạy học, đề cương môn học, bài giảng và thiết kế học liệu cần thiết phục vụ cho giảng dạy; giảng bài, phụ đạo và hướng dẫn người học kỹ năng học tập, nghiên cứu, thực hành, thảo luận khoa học, liên hệ thực tập tại các bệnh viện, xí nghiệp liên kết với trường, …

Hiện tại yêu cầu cho vị trí giảng viên tuỳ thuộc vào từng trường khác nhau. Với các trường đại học lớn, yêu cầu tuyển dụng khá cao hơn so với mặt bằng chung. Các giảng viên cần có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Tuy vậy, nếu bạn là Dược sĩ mới ra trường và muốn làm giảng viên, bạn có thể xin dạy hợp đồng với các môn thực tập; làm giáo viên tại một số trường cao đẳng, trung cấp; hoặc làm trợ giảng cho các thầy cô lớn trong ngành nhằm tăng cường kĩ năng và kiến thức của bản thân.

Với công việc dạy học, bạn nên chuẩn bị tinh thần cần học hỏi và nghiên cứu thêm ở mức độ cao hơn sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) để có thể tiến xa hơn trong con đường sự nghiệp nhé.

Dược sĩ nhà thuốc

Đây là công việc đầu tiên mình nghĩ tới khi mình đăng kí hồ sơ thi đại học năm lớp 12. 😀 Dược sĩ ra trường có thể làm tại nhà thuốc trong bệnh viện, phòng khám, chuỗi hay nhà thuốc kinh doanh lẻ. Công việc chính bao gồm:

Đặt hàng, quản lý thuốc

Đặt hàng cho nhà thuốc từ những kênh phân phối, kiểm tra và đối chiếu hạn dùng, số liệu nhập, xuất, tồn kho.

Quản lý hồ sơ

Dược sĩ phụ trách nhà thuốc cần quản lí hồ sơ GPP (Good Pharmacy Practice), các chứng từ theo quy định, cập nhật và tham gia các huấn luyện của Sở Y tế, Phòng Y tế (nếu có). Riêng với nhà thuốc bệnh viện, đặc biệt bệnh viện công, việc quản lí hồ sơ còn bao gồm các hồ sơ làm thầu, đấu thầu các thuốc và thiết bị y tế cho bệnh viện.

Tư vấn chuyên môn về Dược

Về chuyên môn, Dược sĩ cần tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn + tuân thủ điều trị cho bệnh nhân và phân phối thuốc theo toa bác sỹ.

Dược sĩ lâm sàng

Những năm gần đây, mình nhận thấy dược sĩ lâm sàng là một trong những công việc được chú ý sau khi ra trường. Theo Thông tư số 31/2012/TT-BYT:

Dược lâm sàng là hoạt động thuộc lĩnh vực khoa học sức khoẻ ,trong đó người dược sĩ thực hiện vai trò tư vấn về thuốc cho thầy thuốc, giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị; đồng thời thực hiện vai trò cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho cán bộ y tế và cho người bệnh”.

“Dược sĩ lâm sàng là những dược sĩ làm việc trong lĩnh vực dược lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện tư vấn về thuốc cho thầy thuốc trong chỉ định, điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế và cho người bệnh”.

Nhiệm vụ chính của dược sĩ lâm sàng bao gồm:

  • Tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc, xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh
  • Tư vấn và giám sát việc kê đơn, sử dụng thuốc cho bệnh nhân
  • Thông tin, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người hành nghề khám chữa bệnh, người bệnh, và cộng đồng.
  • Theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc.
  • Tham gia các nghiên cứu khoa học đánh giá an toàn hiệu quả của thuốc

Các bạn thiên về chuyên môn và nghiên cứu khoa học sẽ phù hợp công việc này.

Hiện nay hoạt động dược lâm sàng dần phổ biến tại các bệnh viện, phòng khám. Đây là lĩnh vực đang rất được ưu tiên phát triển ở Việt Nam mặc dù trên thế giới đã xuất hiện từ lâu (Hoa Kỳ 1960s). Hi vọng rằng trong tương lai dược sĩ lâm sàng sẽ xuất hiện cùng các bác sĩ trong các buổi hội chẩn chuyên môn nhiều hơn và người bệnh sẽ nhận được nhiều lợi ích trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Làm việc tại nhà máy sản xuất thuốc

Một trong những phần quan trọng của Dược là bào chế dược phẩm và công nghiệp dược. Song song với đó, lựa chọn công việc trong nhà máy cũng là một trong những ưu tiên của dược sĩ sau khi ra trường.

Nhiệm vụ chủ yếu như sau

  • Vận hành các máy móc trong xưởng sản xuất dược phẩm
  • Xây dựng quy trình nhằm đảm bảo, cải tiến chất lượng dược phẩm
  • Liên kết với bên nghiên cứu (Research & Development), tham mưu các phương pháp bào chế thuốc nhằm tăng hiệu quả, thời gian bảo quản, độ ổn định, … cho thuốc
  • Liên kết với bên kinh doanh tạo và theo dõi kế hoạch phân phối sản phẩm

Các bạn thiên về kĩ thuật và nghiên cứu khoa học sẽ có thể phù hợp với công việc trên.

Nghiên cứu phát triển thuốc

Nghiên cứu và phát triển thuốc được gọi tắt là R&D (Research and Development). Dược sĩ ra trường có thể làm tại các phòng nghiên cứu – phát triển của các công ty, nhà máy sản xuất dược phẩm.

Công việc của dược sĩ R&D bao gồm các giai đoạn liên quan đến vòng đời của thuốc. Mình sẽ sơ lược dưới đây nhé.

  • Nghiên cứu thuốc: Hiểu nôm na bạn có thể nghĩ về thiết kế thuốc đạt chất lượng (tương kị, công thức, dạng bào chế,…) và thiết kế quy trình sản xuất, nâng cấp quy mô, tối ưu thông số sản xuất của thuốc đó
  • Đăng ký: Đăng kí các hồ sơ hành chính và kĩ thuật theo các quy định đăng kí dược phẩm để nộp lên Cục Quản lí Dược
  • Hỗ trợ sản xuất và bán hàng: Triển khai nhãn cho lô sản xuất; định mức kĩ thuật (số lượng, tỉ lệ hao hụt các dược chất, tá dược, phụ liệu bao bì) cho bộ phận sản xuất; thẩm định quy trình sản xuất,…

Các bạn yêu thích về bào chế, công nghiệp dược hoặc nghiên cứu có thể phù hợp với lựa chọn nghề nghiệp này.

Quản lý Dược

Bạn có thể dễ hiểu hơn khi về công việc này khi tưởng tượng đến công việc như sau:

  • Quản lý chất lượng thuốc: Quality Assurance – QA chịu trách nhiệm bao quát toàn bộ hoạt động sản xuất của cơ sở, nhà máy sản xuất và Quality Control – QC kiểm tra chất lượng các mẫu và hoàn thiện thuốc trước khi lưu hành trên thị trường.
  • Bộ phận đấu thầu thuốc ở các tỉnh, thành phố, các bệnh viện
  • Các Sở Y tế, Phòng Y tế chịu trách nhiệm quản lí loại thuốc có chất lượng được lưu thông trên thị trường.
  • Các chuyên viên quản lí tại bệnh viện, trường đại học, Cục Quản lí Dược

Các bạn có kĩ năng về quản lí dược, xã hội có thể phù hợp với đặc điểm công việc nêu trên.

Kiểm nghiệm thuốc

Nếu bạn ưa thích những công việc về kiểm tra chất lượng thuốc, bạn có thể cân nhắc công việc là kiểm nghiệm viên tại các phòng/ viện kiểm nghiệm, bệnh viện, hoặc nhà máy sản xuất thuốc, ngay từ khi mới ra trường.

Ngoài việc kiểm tra chất lượng của thuốc (nguyên liệu, thành phẩm), công việc sẽ có thể bao gồm kiểm tra máy móc, phòng kiểm nghiệm; tìm ra các tác dụng phụ hay chống chỉ định sử dụng thuốc; chuẩn bị báo cáo kết quả, tài liệu để gửi các cơ quan xét duyệt chất lượng sản phẩm.

Công việc này đòi hỏi nhiều hơn về sự chỉn chu, chính xác cao, sự tỉ mỉ và tập trung tuyệt đối trong quá trình làm việc.

Nếu bạn thích làm việc với dụng cụ, máy móc kiểm nghiệm, công việc này có thể phù hợp với bạn.

Kinh doanh riêng

Vì ngành Dược có liên quan một phần đến kinh tế, vì vậy kinh doanh riêng cũng là một sự lựa chọn phù hợp cho dược sĩ. Đây là hướng phát triển của một số đồng nghiệp của mình khi mong muốn làm chủ.

Sau khi ra trường và có chứng chỉ hành nghề, bạn có thể cân nhắc mở nhà thuốc/ chuỗi nhà thuốc hoặc công ty. Các sản phẩm có thể là thuốc, thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ, thiết bị y tế, … được phân phối tới bệnh viện, nhà thuốc hoặc trên nền tảng thương mại điện tử.

Một lưu ý là bạn cần có một phần vốn và nắm vững các quy định kinh doanh, đấu thầu dược phẩm cũng như kĩ năng xã hội tốt.

Trên đây là phần 1 của một số công việc dược sĩ ra trường có thể làm, hi vọng bạn sẽ thấy hữu ích cho định hướng đi làm của mình.

Ngoài ra, một phần không thể thiếu là các công việc liên quan hoặc nằm trong các công ty Dược. Đây là môi trường làm việc mà mình chọn khi ra trường. Vì chúng có liên quan đến nhau về kĩ năng và lộ trình phát triển nên mình sẽ hẹn bạn bài viết phần 2 nhé.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình.

Nguồn tham khảo:

Thông tư 31/2012/TT-BYT ngày 20/12/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện – Cục quản lý khám chữa bệnh (kcb.vn)

Gửi yêu thương!

Stay positive, be present!

Oanh

Nếu các bạn có góp ý cho bài viết thì comment bên dưới hoặc Facebook Page của blog nhé. Mình luôn ghi nhận và trân trọng các góp ý chân thành từ bạn để phát triển blog tốt hơn.

—————————————————————————————————————–

Nếu bài viết này hữu ích với bạn, có thể cũng sẽ hữu ích với người khác.

Hãy chia sẻủng hộ cho blog Vũ Ngọc Oanh để giúp blog duy trì phi lợi nhuận bạn nhé.

Disclaimer: Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog. 

 

 

 

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *