Mình Nghĩ Gì Về Môi Trường Làm Việc Lý Tưởng?

Một trong những câu hỏi mình nhận được từ nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn, hoặc chỉ là câu hỏi mình tự hỏi về việc lựa chọn các công việc cho bản thân, đó là : “Môi trường làm việc lý tưởng mà em mong muốn là gì?” hay “Em muốn làm việc trong môi trường như thế nào?“. Điều này giúp mỗi người có sự cân nhắc lựa chọn giữa các cơ hội nghề nghiệp, thể hiện tinh thần win – win giữa nhà tuyển dụng – ứng viên. Ngoài ra, nhà quản lí có thể xem xét để quản lí nhân viên và tạo động lực làm việc trong tương lai cho nhân viên của mình.

Nhìn lại những cảm nhận của bản thân khi đi làm và chia sẻ từ các bạn mình, đồng nghiệp mình, mình nhận thấy rõ không môi trường nào có thể gọi là “lý tưởng nhất” cho mỗi người. Mỗi môi trường đều có những điểm tốt và điểm hạn chế. Mỗi người chỉ có thể lựa chọn môi trường có các yếu tố phù hợp hoặc gần với nhu cầu của bản thân nhất.

Mình ít có cơ hội làm việc với hình thức như làm việc từ xa (remote), freelancer hay môi trường nhà nước nên những chia sẻ của mình tại đây đơn giản là những cảm nhận của bản thân khi làm việc trong một công ty tư nhân. Mỗi công ty sẽ có những điều khoản và yêu cầu nhất định cho từng loại vị trí, tuy vậy mình nghĩ ứng viên vẫn nên có những góc nhìn riêng để định hình một môi trường làm việc tốt cho bản thân.

Tất nhiên mình không thể đòi hỏi tất cả đều hoàn mỹ, nhưng đây là những điều mình mong muốn tìm thấy ở một công ty, từ đó mình có thêm nhiều động lực để cống hiến tinh thần và trách nhiệm với những khối công việc mà mình phụ trách. Bạn cùng đọc với mình và xem chúng ta có giống nhau không nhé 🙂

Không gian, cơ sở vật chất

Nhớ những ngày đầu đi phỏng vấn, một trong những điều làm mình ấn tượng với mỗi công ty là môi trường làm việc của công ty đó. Mình đã dành thời gian quan sát địa điểm công ty, cách bài trí, quy mô và không gian tiếp đón, phòng họp của mỗi công ty trong những lần đi phỏng vấn.

Vị trí công ty, không gian và cơ sở vật chất có thể phản ánh được quy mô, độ chuyên nghiệp, thương hiệu của công ty trên thị trường và một phần văn hoá cũng như phong cách của công ty.

Mình cảm nhận được nhiều hơn khi chuyển về công việc văn phòng làm Chuyên viên thông tin Y khoa. Mình cũng phải công nhận ngắm nơi làm việc “đẹp” làm cho mình cảm giác dễ chịu, làm việc nhẹ nhàng nhưng năng suất hơn, nhất là khi deadline tới. 🙂

Chẳng hạn như văn phòng nhiều ánh sáng tự nhiên không tù túng. Bàn làm việc phong cách “mở” nhưng có vách ngăn đảm bảo riêng tư. Phòng làm việc được trang trí với cây xanh cho mình sự thoải mái và tăng tính sáng tạo. Các khu vực phòng họp, phòng thảo luận, căn tin đều hỗ trợ trải nghiệm tốt nhất cho nhân viên, đặc biệt khi tăng ca trễ. Mình cũng được cung cấp đầy đủ về trang thiết bị như văn phòng phẩm, laptop, micro, usb, ipad, sổ, chuột … và các hỗ trợ, cập nhật về kĩ thuật khi làm việc một cách kịp thời.

Như mình và đồng nghiệp hay nói: “mọi thứ đã có đủ, em chỉ cần làm việc thôi”  hihihi 🙂

Lộ trình phát triển cho mỗi cá nhân

Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định lựa chọn một công việc là bạn học được gì từ công việc ấylộ trình phát triển của công việc và bạn như thế nào. Mình thường coi lộ trình này liên quan đến mục tiêu phát triển cá nhân toàn diện của bản thân. Các mục tiêu này có thể liên quan nhiều khía cạnh xung quanh công việc của mình như:

  • Mình có học thêm được kĩ năng nào khác không?
  • Mình có xây dựng được các mối quan hệ mới không?
  • Mình có thể lên vị trí, chuyển qua phòng ban hay rẽ nhánh công việc khác không?

Với trải nghiệm của mình, một công ty có sự đa dạng và quy mô với nhiều phòng ban sẽ cho nhân viên nhiều cơ hội giao lưu và phát triển các bộ kĩ năng khác nhau khi cùng làm các dự án chung. Ngoài các khoá huấn luyện kĩ năng cơ bản, một số công ty sẽ hỗ trợ chi phí khi nhân viên tham gia các khóa đào tạo riêng nhằm nâng cao trình độ. Đến giờ mình vẫn thầm cảm ơn khi được tạo điều kiện phát triển trong công việc từ công ty, sếp và đồng nghiệp của mình. 🙂

Sếp có tâm có tầm

Điểm chung của công ty là việc phân nhóm nhân sự và công việc thành từng đội với mức độ, quy mô khác nhau và đứng dưới các bậc quản lí khác nhau.

Với 7 năm đi làm, mình được làm việc với nhiều sếp với các phong cách đa dạng. Điều này cho mình sự linh hoạt trong việc thích ứng với cách làm việc của từng sếp. Trong công việc hay cuộc sống, khó khăn và thử thách là điều không thể tránh khỏi. Mình nhận được sự giúp đỡ, cố vấn từ trải nghiệm của họ, cũng được tạo điều kiện để nâng cao các kĩ năng, thử các cơ hội liên quan đến lộ trình phát triển công việc.

Sếp cũng là người có thể nhìn ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình qua quá trình làm việc, từ đó cho mình những góp ý nhằm cải thiện nhược điểm, phát huy ưu điểm của bản thân. Cùng với những chia sẻ từ đồng nghiệp, mình nhận thấy sếp “có tâm, có tầm” là một trong vài lí do quan trọng nhất để một nhân viên gắn bó lâu dài với đội nhóm, công việc và công ty. 🙂

Được trao quyền tự chủ và bày tỏ ý kiến cá nhân

Bạn có muốn làm việc trong một môi trường mà sếp trao cho bạn quyền quyết định các công việc quan trọng và mọi người sẵn sàng lắng nghe ý kiến của bạn? Đâu đó bạn có thể nghe vài cụm từ quen quen khi đi làm như empower/empowerment hay delegation về sự trao quyền này.

Mình nhận ra điều này khi được nghe trong buổi họp công ty, tự lên chiến lược cho địa bàn và sản phẩm phụ trách hoặc khi có nhu cầu học, áp dụng cái mới vào công việc và nhiều điều nữa. Mình đã có thể tự quản lý bản thân (self- leadership) khi được sự tin tưởng và tự quyết định trong công việc từ sếp. Trong các cuộc họp về sản phẩm, ý kiến và nhu cầu đóng góp cho chiến lược chung của mình được lắng nghe, cùng nhau thực hiện và đem đến kết quả tốt (không chỉ cho công ty mà còn cho những người bệnh mà mình chưa từng gặp mặt). Đó là một trong những động lực cho mình sự yêu mến và gắn bó với công việc nhiều hơn, đặc biệt khi tuổi đời còn tạm trẻ (mình cũng U40 rồi 🙂), tuổi nghề còn ngắn so với các anh chị đi trước.

Được công nhận xứng đáng về thành quả và nỗ lực

Đi sau những nỗ lực làm việc, nỗ lực phát triển bản thân, sự tự chủ và cống hiến, việc được công nhận những đóng góp trong công việc như là một “món quà” cho bất kì nhân viên nào. Ngay cả khi bạn làm freelancer thì sự công nhận từ khách hàng và công chúng cũng tương tự phải không?

Tuỳ vào công ty, sự công nhận này có thể chỉ là chia sẻ mang giá trị tinh thần hoặc đi kèm các phần thưởng. Với mình, điều này còn có thể đến từ những điều nhỏ bé hơn như lời động viên của sếp khi đã cố gắng hết sức nhưng chưa đạt hiệu quả công việc như mong muốn, lời nhận xét tích cực từ nhân viên khác dù chưa làm việc cùng; những phản hồi, niềm tin và những chia sẻ từ khách hàng về phong cách làm việc cùng những lời khuyên trong cuộc sống,… Từ đó, mình cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn 🙂

Sự bình đẳng trong làm việc nhóm

Làm việc nhóm (team-work) dường như là khái niệm khá quen với nhân viên làm việc trong công ty. Mình thì được làm quen và biết ngay từ lúc chập chững đi làm. Khác biệt với sự tự do khi bạn làm freelancer, các công ty hay tổ chức kinh doanh/dịch vụ ít nhiều đều có liên quan đến team-work.

Mỗi đội nhóm thường sẽ có nhiều thành viên với tính cách, phong cách, quan điểm sống và kĩ năng khác nhau. Điều này yêu cầu mỗi bậc quản lí cần có sự phân minh trong công việc – lợi ích, từ đó đem đến sự bình đẳng, tránh các mâu thuẫn lợi ích giữa các nhân viên. Với mình, bình đẳng ở đây không phải là san bằng, cào đều tất cả các công việc, mà là sự phân chia công việc hợp lý với kĩ năng của từng bạn, khách quan trong quản lí nhân sự, đánh giá và ghi nhận với những điều nhân viên đã làm được. 🙂

Đồng nghiệp thân thiện

Một điều mình nhận thấy bản thân rất may mắn khi đi làm là có những đồng nghiệp thân thiện. Cảm giác đi làm là ngày vui. Mình có một số đồng nghiệp là “cạ cứng”, cùng làm cùng chơi và có thể chia sẻ những chuyện “trên trời dưới biển”, suy nghĩ trong cuộc sống hay hóng các xu hướng (trend) mới. Trong môi trường team-work, điều này còn quan trọng hơn vì nó tạo ra sự thoải mái, hỗ trợ giữa các thành viên. Hiện tại mình vẫn giữ liên lạc với đồng nghiệp, sếp cũ. Và mình biết ơn thật nhiều khi được làm việc cùng những con người tuyệt vời như thế. 🙂

Chế độ đãi ngộ, lương thưởng đầy đủ

Song song với lộ trình phát triển cá nhân, thu nhập và đãi ngộ là điều quan trọng mỗi nhân viên quan tâm khi đi làm. Tuỳ vào mỗi công ty mà chính sách này là khác nhau và bảo mật. Đó có thể là lương, phụ cấp, thưởng, quà kỉ niệm (đám cưới, sinh nhật, năm đóng góp cho công ty, … ), các chính sách đãi ngộ về bảo hiểm (cho nhân viên và gia đình), các khoá học có trả phí giúp nâng cao trình độ hay hoạt động hướng tới sức khoẻ nhân viên (thể dục, yoga, tea break, …). Với trải nghiệm của mình chỉ ở một số lượng ít công ty, mình nghĩ rằng các công ty lớn sẽ còn có những chính sách khác hỗ trợ nhân viên nhiều hơn.

Là nhân viên và được hưởng các chính sách đãi ngộ tốt từ các công ty từng làm việc, mình cảm thấy an toàn và yên tâm khi có thu nhập, có sự đảm bảo hỗ trợ về sức khoẻ khi cần cũng như những niềm vui trong các hoạt động hướng tới gia đình. 🙂

Trên đây là những liệt kê của cá nhân mình về những điều mình nhận thấy, mong muốn về một môi trường làm việc “lý tưởng”. Đã đi làm là sẽ có áp lực rồi bạn ha. Sẽ có những khi mình không thể đòi hỏi tất cả môi trường làm việc đều hoàn hảo như trên. Tuy vậy mình vẫn nhìn nhận một số yếu tố quan trọng trên đây với góc nhìn tích cực. Điều này cũng sẽ giúp mình có thêm nhiều năng lượng làm việc hơn, tăng “mood”, có thêm động lực sáng tạo cũng như hoàn thành công việc tốt hơn.

Hiện tại mình chưa thử những môi trường hay hình thức làm việc khác. Biết đâu sau này mình lại có sự thay đổi nào đó trong suy nghĩ này chăng. 🙂 Còn với bạn, đâu là yếu tố quan trọng làm nên môi trường làm việc lý tưởng của bạn? 🙂

Chúc bạn có một công việc và môi trường làm việc lý tưởng hoặc ít nhất là lý tưởng với sự chấp nhận của bạn nhé. 🙂 Cảm ơn bạn thật nhiều đã đọc bài viết của mình. 🙂

Stay positive, be present!

Oanh

Nếu các bạn có góp ý cho bài viết thì comment bên dưới hoặc Facebook Page của blog nhé. Mình luôn ghi nhận và trân trọng các góp ý chân thành từ bạn để phát triển blog tốt hơn.

—————————————————————————————————————–

Nếu bài viết này hữu ích với bạn, có thể cũng sẽ hữu ích với người khác.

Hãy chia sẻ và ủng hộ cho blog Vũ Ngọc Oanh để giúp blog duy trì phi lợi nhuận bạn nhé.

Disclaimer: Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog. 

 

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *