Mình Có Lợi Thế Và Hạn Chế Gì Khi Là Dược Sĩ Mới Ra Trường?

Sau buổi hẹn gặp các bạn cùng học dược với mình, bây giờ mỗi bạn đã có những thành tựu riêng với những con đường phát triển riêng. Có bạn tiếp tục gắn bó với ngành, có bạn đã chuyển sang ngành khác. Tuy vậy tất cả đều không hối tiếc vì đã thử một số công việc liên quan đến ngành dược từ khi mới ra trường.

Theo dõi tình hình hiện nay, mình nhận thấy đào tạo ngành y dược nói chung và ngành dược nói riêng được mở rộng hơn tại nhiều điểm trường đại học tư, số lượng dược sĩ trẻ ra trường ngày càng nhiều. So với chúng mình ngày xưa ấy, mình cảm nhận thế hệ sau này càng ngày càng giỏi về kĩ năng, nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin và học hỏi nâng cao kiến thức. Song song với đó, việc canh tranh về việc làm trong nhánh ngành nghề cũng sẽ dần cao hơn theo sự phát triển.

Và mình cũng nhận được các câu hỏi như:

  • Liệu sau khi em cầm tấm bằng tốt nghiệp dược sĩ, em có nằm trong nhóm thất nghiệp hay không?
  • Với công việc mới, em chưa có kinh nghiệm thì làm sao được tuyển dụng?
  • Dược sĩ mới ra trường có điều gì là lợi thế giúp tụi em tự tin hơn không?

Quay lại lúc mình mới ra trường, mình cũng tự đặt câu hỏi tương tự cho bản thân như vậy. Mình nhận ra, dù là bạn hay mình, ai rồi thì cũng phải trải qua giai đoạn “mới ra trường” ấy. Bài viết này mình nêu ra một số ưu nhược điểm của một dược sĩ mới ra trường trong hành trình tìm kiếm việc làm. Chúng dựa trên trải nghiệm của bản thân mình 8 năm về trước và góc nhìn của một người đã có kinh nghiệm đi làm với môi trường công ty đa quốc gia. Hi vọng những điều dưới đây có thể giúp bạn chút tích cực nào ấy nhé. Bắt đầu thôi. 🙂

Hạn chế của dược sĩ mới ra trường

Trước khi đến với phần ưu điểm, mình muốn đề cập đến một số hạn chế nhỏ của một dược sĩ mới ra trường. Điều này sẽ giúp mình nhìn lại, cũng như có thể giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về những điều cần học hỏi và rèn luyện thêm nếu chọn môi trường làm việc với công ty dược, nhất là khi mới chập chững ra đời tìm việc. Không ảo tưởng sức mạnh và khiêm tốn cũng là một tính cách cần thiết khi đi làm mà nhỉ. Cùng mình tìm hiểu thêm dưới đây nha.

Sách vở quá nhiều, ít thực tế

Tại sao mình lại đề cập đến vấn đề này đầu tiên? Từ trải nghiệm của bản thân, việc đi làm và đi học khác nhau rất nhiều. Với đặc thù của ngành học, lượng kiến thức chúng mình cần nạp suốt ít nhất 05 năm đại học đa phần thiên về chuyên môn, thiên về lí thuyết. Chúng mình ít được trau dồi về kĩ năng và tiếp xúc thực tế và chưa phải chịu trách nhiệm gì quá lớn liên quan tới sự phát triển của một tổ chức, đội, nhóm.

Bên cạnh đó, khi đi làm, đôi khi mình có thể có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng chúng không phù hợp và không áp dụng được trong thực tế doanh nghiệp. Những tình huống bất ngờ trong công việc cũng sẽ làm mình áp lực, bối rối khi tìm cách giải quyết. Khi ấy mình vẫn cần sự hỗ trợ và dẫn dắt từ những người quản lí để có một định hướng và cách giải quyết chính xác, ổn thoả hơn.

Cái tôi và sự tự tin cao

Hoàn thành đại học cũng được coi là một sự thành công với sinh viên dược. Với sự cố gắng ít nhất 05 năm trời, dược sĩ ra trường có quyền tự tin vào bản thân đã hoàn thành được một chặng đường ý nghĩa trong cuộc đời vậy. Và vì thế đâu đó cái tôi và sự tự tin khi ấy cũng là một nét không thể thiếu của mỗi dược sĩ, mình cũng vậy thôi. Hihi.

Tuy vậy, chúng cũng có thể là khiếm khuyết khi ta trở nên quá ảo tưởng về năng lực bản thân, không cầu thị, không khiêm tốn, không biết lắng nghe, khó giữ điềm tĩnh trước những mâu thuẫn hay ý kiến trái chiều. Điều này cũng là một yếu tố khi nhà tuyển dụng cân nhắc với một ứng viên mới. Hiểu rõ về bản thân và cố gắng hơn nữa là điều nên làm để ta có thể thành công hơn. 🙂

Định hướng công việc không rõ ràng

Đây là tâm lí chung của một dược sĩ mới ra trường, và ngay cả khi bạn đã đi làm một thời gian. Mình cũng đã ít nhất 03 lần hỏi bản thân trong 07 năm đi làm rằng: Mình sẽ làm gì? Mong muốn phát triển của mình là gì?…

Mình đã từng rớt phỏng vấn vì chưa có định hướng rõ ràng khi tìm kiếm một công việc mới. Đây có thể coi là một điểm ấn tượng không tốt của ứng viên trong mắt nhà tuyển dụng. Điều mình nhận ra là dù bản thân chưa có kinh nghiệm nhưng một định hướng công việc rõ ràng sẽ là kim chỉ nam cho mọi nỗ lực và là điểm cộng lớn cho bất kì dược sĩ nào khi tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân. 🙂

Thụ động và ít kinh nghiệm

Nếu bạn có kinh nghiệm thực tập trong mảng công việc bạn ưa thích từ khi là sinh viên, đây là điểm cộng của bạn. Tuy vậy, đa phần dược sĩ mới ra trường thường không hoặc ít kinh nghiệm. Đôi khi, “không có kinh nghiệm” có thể ẩn hiện dưới sự thụ động, trì hoãn, chỉ chờ đợi chỉ dẫn và làm theo. Nhà tuyển dụng có thể hiểu nhưng vẫn đánh giá kinh nghiệm của một ứng viên cụ thể qua sự chủ động học hỏi kiến thức và kĩ năng mới, dù chúng có thể không liên quan nhiều đến công việc.

Khi còn là sinh viên, mình học là chủ yếu và thực sự cũng không có kinh nghiệm làm việc. Tuy vậy, mình nghĩ rằng chính những kĩ năng rèn luyện được khi tham gia hoạt động ngoại khoá, sự chủ động và cố gắng đạt mục tiêu đã giúp mình có thêm tự tin và điểm cộng trước mắt nhà tuyển dụng.

Nói nhiều về hạn chế có thể làm bạn cảm thấy tinh thần đi xuống chăng. Những điều này đều có thể cải thiện nên ta hãy cho bản thân một khoảng thời gian để nhìn nhận, học hỏi và thay đổi dần dần, đừng quá áp lực bạn nha. 🙂

Lợi thế của dược sĩ mới ra trường

Bên cạnh những hạn chế, nhiều công ty vẫn rất thích tìm kiếm và tuyển dụng những dược sĩ mới ra trường. Vậy những ưu điểm nào là điểm cộng giúp ta lọt vào mắt xanh của họ? 🙂 Bạn cùng mình đi tiếp nhé 🙂

Yêu cầu lương không quá cao

Bản thân mình khi mới ra trường luôn mong muốn tìm được môi trường tốt để trau dồi kinh nghiệm, có cơ hội học hỏi và phát triển nhiều hơn là mức lương mình có thể nhận. Điều này giống như việc xây nền móng cho bản thân trước và kiếm tiền sau vậy. Tất nhiên nếu được cả hai thì không còn gì tốt hơn rồi bạn nhỉ 🙂

Nắm bắt được tâm lý này của ứng viên, đây là yếu tố quan trọng mà nhà tuyển dụng cân nhắc nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Với nguồn nhân lực trẻ, chưa có kinh nghiệm, họ có thể chi trả ở mức thấp hơn so với các nhân viên đã có kinh nghiệm ở cùng một vị trí tuyển dụng tương ứng.

Mặc dù vậy, mỗi công ty thường sẽ có một phạm vi lương (salary range) cụ thể. Ví dụ như mình nhận được mức lương cơ bản cho vị trí trình dược viên chưa có kinh nghiệm chẳng hạn. Điều này giúp cho thu nhập của nhân viên mới không quá thấp, vẫn đảm bảo cuộc sống. Nhà tuyển dụng cũng sẽ có được các ứng viên tiềm năng để huấn luyện và làm việc tại công ty, từ đó thay đổi mức tăng lương hàng năm phù hợp.

Chăm chỉ, cầu tiến và nhiệt huyết với công việc

Điều này mình cảm nhận rõ nhất ở bản thân. Mình đặt tâm huyết nhiều vào những điều mình làm, mong muốn những kết quả tốt nhất với công sức đã bỏ ra. Mới ra trường, tự do, độc thân, mình thoải mái dành thời gian cho công việc và phát triển bản thân. Mình có thể nhận các công việc khác, phụ giúp đồng nghiệp để học hỏi nhiều hơn mà vẫn tìm thấy niềm vui, không thấy chán nản.

Sau này khi team mình có những bạn trẻ hơn, mình cũng nhận ra “tinh thần tích cực” ấy. Các bạn có mục tiêu sớm hơn, mong muốn phát triển sự nghiệp và gặt hái thành quả nhanh chóng. Các bạn nhiệt tình làm việc, tìm tòi, chịu khó lắng nghe, tiếp thu ý kiến và làm tốt nhất có thể phần việc được giao. Đó như một nguồn năng lượng lan toả và truyền cảm hứng về “sức trẻ” cho đội nhóm và công ty vậy đó. 🙂

Dễ quản lý và huấn luyện

Sau khi ra trường, mình như một “trang giấy trắng” chưa có chút “vệt màu” kinh nghiệm nào. Trải nghiệm về nghề nghiệp mình chọn là zero. Tuy vậy, với tinh thần học hỏi và cái nhìn tích cực mới ra trường, mình nhìn nhận môi trường làm việc là màu hồng, ít bị ảnh hưởng bởi các mâu thuẫn hay các mặt tối liên quan công việc. Mình có thời gian tập trung vào mối quan tâm chính là công việc của bản thân.

Bạn có thể thấy đây cũng là điểm mạnh khi bạn có thể được linh động sắp xếp vào bất kì đội nhóm nào, được học hỏi từ ban đầu. Đối với nhà tuyển dụng, việc quản lí và đào tạo ứng viên từ ban đầu dễ dàng hơn nhiều. Và các công ty cũng có vị trí cho những ứng viên chưa có kinh nghiệm để đào tạo phù hợp với văn hoá doanh nghiệp. Điều này giống như thể vẽ một bức tranh từ đầu, không cần phải tẩy xoá những nét vẽ trước. 🙂

Học hỏi, nhìn nhận và tiếp thu cái mới nhanh

Các anh chị trước mình có kinh nghiệm lâu năm và mình cần học hỏi rất nhiều. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của các xu hướng, không phải tất cả mọi người đều muốn thay đổi những lối mòn và thói quen cũ trong công việc.

Đội ngũ nhân viên trẻ có thể có cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề khác hơn, mới hơn, cập nhật xu hướng hơn. Sự đổi mới này tạo nên sự thú vị và sáng tạo trong công việc. Đây là nguồn ý tưởng cập nhật cho đội nhóm, phòng ban cũng như doanh nghiệp khi nhân viên trẻ được chủ động nêu ý kiến, đề xuất hướng tiếp cận mới cho sản phẩm/ dịch vụ mà bản thân phụ trách.

Nói đâu xa, mình cũng học từ các đồng nghiệp trẻ hơn để giữ cho suy nghĩ của bản thân luôn mới mẻ nè. “Think out of the box” cũng là câu thần chú mình hay dùng nhắc nhở bản thân. Và một trong những điều tuyệt vời mình nhận được là sếp ủng hộ mình về những đề xuất mới trong công việc hàng ngày chẳng hạn 🙂

Nắm bắt xu hướng và công nghệ tốt

Dù ngành dược liên quan đến sức khoẻ, việc cập nhật và áp dụng công nghệ và xu hướng phát triển của ngành luôn được các công ty chú trọng. Kĩ năng về công nghệ dường như là yếu tố mỗi nhân viên trẻ cần chủ động tự trau dồi cho bản thân và cả trong công việc mà không phải chờ yêu cầu từ sếp. Đó có thể đơn giản như mạng xã hội hay một số ứng dụng công nghệ hiện đại hơn.

Điều này giúp tăng sự nổi bật của mỗi nhân viên trong môi trường quá nhiều nhân viên và góp phần vào sự phát triển của công ty.

Lấy một ví dụ về phạm vi nhỏ, bạn có thể tưởng tượng nhân viên trẻ bắt kịp nhanh với các nền tảng số, thực hiện các hoạt động trực tuyến trong thời kì đại dịch COVID – 19. Với phạm vi lớn hơn, các nhân viên trẻ có thể làm quen và tiếp cận các quy trình thao tác chuẩn (standard operating procedure – SOP) từ công ty mẹ một cách nhanh chóng nếu công ty có thay đổi hay tái cơ cấu,…

Năng động và dễ thích nghi

Với sự phát triển hiện nay, mỗi công ty luôn tiến hành những thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới trong điều trị cho bệnh nhân và cải cách về cấu trúc, quy trình.

So với các nhân viên lớn tuổi e ngại sự thay đổi, nhân viên trẻ thường tìm cách để thích nghi với những điều này một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Sự năng động được thể hiện khi họ được học và làm nhiều hơn trong các giai đoạn đổi mới. Sự mới mẻ và hứng thú cũng là động lực cho nhân viên trẻ tuổi.

Ví dụ như mình tham gia training 1:1 dự án mới của vùng và đóng góp phản hồi sau dự án. Hoặc đồng nghiệp mình cập nhật quy trình dự án mới từ vùng cho toàn bộ team hay nhóm thành viên trẻ (gồm các đại diện trẻ từ nhiều phòng ban) cùng nhau thực hiện dự án chung của Việt Nam và gửi dự thi, …

Dù bạn mới ra trường chưa có kinh nghiệm hay đã đi làm một thời gian, mỗi giai đoạn phát triển đều sẽ có lợi thế và hạn chế riêng. Nhìn nhận chúng một cách khách quan từ khi mới ra trường sẽ giúp dược sĩ có thêm tự tin trong hành trình tìm kiếm công việc ưng ý.

Trên đây là một vài góp nhặt nhỏ với trải nghiệm của mình về những ưu nhược điểm của một dược sĩ mới ra trường. Hi vọng bạn có thể tìm thấy hình ảnh bản thân trong bài viết của mình hay có một chút tích cực về ngành nghề bạn chọn nhé. Mình cũng sẽ rất vui nếu như ta có vài điểm chung và những điều này giúp bạn có thêm động lực, niềm tin sau khi rời khỏi cánh cửa đại học. 🙂

Cảm ơn bạn thật nhiều đã đọc hết bài viết và ủng hộ mình nha! 🙂

Stay positive, be present!

Oanh

Nếu các bạn có góp ý cho bài viết thì comment bên dưới hoặc Facebook Page của blog nhé. Mình luôn ghi nhận và trân trọng các góp ý chân thành từ bạn để phát triển blog tốt hơn.

—————————————————————————————————————–

Nếu bài viết này hữu ích với bạn, có thể cũng sẽ hữu ích với người khác.

Hãy chia sẻ và ủng hộ cho blog Vũ Ngọc Oanh để giúp blog duy trì phi lợi nhuận bạn nhé.

Disclaimer: Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog. 

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *