05.2022 – Đọc gì – Nghe gì – Xem gì?

Vừa kết thúc kì nghỉ lễ, mình lại bắt đầu một tháng mới với những tìm hiểu mới. Bên cạnh chia sẻ những kĩ năng liên quan công việc Dược, mình cũng quan tâm đến các khía cạnh khác của cuộc sống. Trải qua hai năm dịch COVID và thời điểm hiện tại, mình nhận thấy dù có ít hay nhiều tiền, việc quản lí tài chính cá nhân cực kì quan trọng.

Tiền không thể mang lại tất cả niềm hạnh phúc, nhưng nó mang lại cho mỗi người cảm giác tự do và yên tâm khi bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá về những điều xung quanh. Quản lí tài chính cá nhân sẽ giúp đảm bảo một khoản tiết kiệm cho tương lai, khi bản thân mình càng lớn tuổi hơn, sức khoẻ cũng không còn như trước.

Với công việc và ngành học thiên về chuyên môn khoa học, mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong những việc liên quan đến các con số và việc tối ưu quản lí tiền bạc. Tháng 5 này mình chủ yếu muốn tìm hiểu thêm về cách quản lí và sử dụng tiền sao cho vừa hiệu quả và vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Mỗi người đều có cách quản lí tài chính riêng của bản thân, và mình biết các bạn mình xung quanh mình rất giỏi trong việc quản lí, đầu tư, kinh doanh. 😀 Tuy vậy, nếu bạn có cùng mối quan tâm với mình về tài chính, bạn có thể cùng mình tìm hiểu với sách và podcast self-help trong đọc gì-nghe gì- xem gì tháng 5 này nhé.

Cùng mình tìm hiểu bên dưới nhé!

Học Cách Tiêu Tiền – Larry Winget

Là quyển sách của tác giả Larry Winget – diễn giả, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ. Sách bao gồm 3 phần, tiếp cận vấn đề tài chính bằng trình tự nguyên nhân – phương pháp – và hành động: “Vì sao bạn cháy túi?”, “Làm thế nào để khấm khá hơn (thậm chí có thể trở nên giàu có)!”“Hãy chứng tỏ bạn có thể làm được điều đó”.

Nội dung cuốn sách bao gồm các trải nghiệm, giúp bạn đọc hiểu thêm về lĩnh vực tài chính cá nhân, quản lí thu nhập song song với chi tiêu bằng các phương pháp rõ ràng và cụ thể. Điểm đặc biệt từ cuốn sách cuốn hút mình là phương pháp thay đổi từ những điều nhỏ nhất, thiết lập kế hoạch chi tiêu ngắn và dài hạn.

Sách có tính ứng dụng tốt. Mình cảm nhận sách phù hợp với hoàn cảnh chi tiêu ở Mỹ hơn là Việt Nam. Xen kẽ trong sách là các bài học thực hành để độc giả có thể suy nghĩ về hoàn cảnh/ trải nghiệm của tác giả, phương pháp tối ưu hoá chi tiêu và động lực từ các câu chuyện từ những doanh nhân thành công.

Tác giả cho mình các gợi ý về các đầu sách khác liên quan đến triết lí làm giàu và lời khuyên để trở nên giàu có. Điều này giúp mình tiết kiệm được thời gian và khoanh vùng tìm kiếm những đầu sách có ích bổ sung vào list sách sẽ đọc của mình.

Một trong những câu trích dẫn mình ưa thích là “Mọi thứ trong cuộc sống sẽ tốt hơn nếu bạn tiến bộ hơn, và không điều gì trong cuộc sống trở nên tốt hơn cho đến khi bạn tiến bộ hơn. Khi bạn thấy một việc gì đó quan trọng đối với mình thì bạn sẽ có thời gian cho nó.”

Rich Dad Poor Dad (Cha Giàu Cha Nghèo) – Robert Kiyosaki & Sharon Lechter

Nhớ lại 4 năm trước, mình được một đồng nghiệp chia sẻ về những thay đổi trong suy nghĩ của họ về tiền bạc sau khi đọc cuốn sách này. Đây cũng là một trong những quyển sách được gợi ý trong phần triết lí làm giàu từ cuốn sách Học cách tiêu tiền – Larry Winget. 

Mình chọn nghe sách nói. Sách là những bài học đúc kết kinh nghiệm của Robert từ hai người cha của mình. Một người là cha đẻ của Robert, người học hành rất giỏi, coi trọng học thức hơn tiền bạc nhưng vẫn chật vật kiếm tiền. Người còn lại là cha nuôi nhưng có cách làm giàu thông minh và trở thành người giàu có.

Sách không bao gồm các thủ thuật làm giàu mà đề cập đến quan điểm khác nhau về tiền bạc, tầm quan trọng của việc hiểu biết về quản lí tài chính nhằm kiểm soát dòng tiền, các lời khuyên cho việc khắc phục khó khăn và bắt đầu kinh doanh. Tác giả cũng chia sẻ về sự nghiệp của mình với các kĩ năng độc lập, kinh nghiệm và những quyết định không nghĩ tới trước khi sở hữu một doanh nghiệp.

Với mình, dù chưa nghĩ đến vấn đề kinh doanh riêng, mình tin rằng những kiến thức về tài chính có thể cho mình những điều hữu ích khi nhìn lại quan điểm của bản thân về tiền bạc. Với thời điểm hiện tại, sau khi trải qua 2 năm COVID và thấy được sự thay đổi về nhân sự trong và ngoài ngành, mình nhận thấy càng rõ ràng rằng “Hãy cắp sách đến trường mà học để sau này có một việc làm ổn định, an toàn” không còn đúng nữa. Học thêm kĩ năng quản lí tài chính ngay từ sớm sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong cuộc sống.

Link cho bạn muốn nghe tại đây.

Never Eat Alone (Đừng bao giờ đi ăn một mình) – Keith Ferrazzi

Đây là một trong những quyển sách được gợi ý trong phần lời khuyên làm giàu từ cuốn sách Học cách tiêu tiền – Larry Winget. Never Eat Alone tập trung vào cách xây dựng những mối quan hệ lâu dài cả trong cuộc sống và công việc.

Mình đọc lại sách này và cảm nhận thay đổi của bản thân mình. Sách phù hợp với những ai gặp khó khăn trong giao tiếp muốn xoá bỏ đi mặc cảm, tự ti và mong muốn kết nối với mọi người. Tác giả sử dụng ngôn ngữ đơn giản, các ví dụ dễ hình dung về kết nối và giao tiếp, giúp người đọc có thể áp dụng và thực hành mỗi ngày.

Không chỉ riêng về vấn đề giao tiếp cá nhân, tác giả còn chú trọng về cách hệ thống hoá các mối quan hệ củng cố và vững vàng. Đó là điều kiện tiên quyết để thành công trong sự nghiệp. “Kết nối thành công dựa trên sự phóng khoáng và trung thành”. Sự phóng khoáng tạo nên lòng tin và thấu hiểu nhau. Đơn giản là việc thay đổi suy nghĩ từ việc không bao giờ hỏi “Người khác có thể giúp mình như thế nào?” thành “Mình có thể giúp người khác như thế nào?”. Mình đã học được rất nhiều từ công việc và cuộc sống, vậy mình có thể giúp đỡ người khác bằng cách nào.

Việc xây dựng mối quan hệ cũng cần sự thiết lập mục tiêu ngắn, trung và dài hạn, gắn liền với hình ảnh cá nhân, giúp đỡ nhiều người và cũng nên có người đỡ đầu định hướng các kinh nghiệm, kiến thức cho bản thân. Sách cũng cho mình củng cố thêm quan điểm trước giờ của mình về sự chân thành. Khi bạn chân thành đối xử với những người xung quanh, thì vũ trụ cũng đối với bạn như vậy. Bạn sẽ nhận lại được sự chân thành ấy vào một lúc nào đó, có thể từ những người mà bạn chưa hề quen biết.

Chốt lại với một trong các câu trích dẫn mình ấn tượng trong cuốn sách “Theo thời gian, tôi nhận ra rằng khi ta dang tay giúp đỡ làm thay đổi cuộc đời người khác, thì ta cũng đang khám phá, học hỏi và làm thay đổi cuộc đời mình.”

Podcast Hành trình tự do tài chính – Hiếu Nguyễn TV

Trong thời gian tìm hiểu về tài chính, mình được biết về trào lưu FIRE (Financial Independence, Retire Early). Khái niệm này đề cập đến Tự do tài chính (FI – Financial Independence) và Nghỉ hưu sớm (RI – Retire Early).

Có khá nhiều tác giả, doanh nhân, nhà đầu tư hay những nhân vật ảnh hưởng đề cập đến vấn đề này, tuy vậy hiện tại mình chỉ đang muốn tìm hiểu về FI dưới hình thức nghe podcast để tránh nhàm chán. Đó là Series podcast Hành trình tự do tài chính của tác giả Nguyễn Ngọc Hiếu. Đây là hành trình đã mang đến rất nhiều giá trị cho cuộc sống của anh và anh đã chia sẻ lại với mong đem lại lợi ích cho cuộc sống cho các bạn trẻ hơn.

Điều mình ấn tượng với podcast là cách chia sẻ rõ ràng, gần gũi, giản dị nhưng đem lại rất nhiều nguồn cảm hứng cho người nghe. Với người chưa có kiến thức nhiều về tài chính như mình, mình nhận được nhiều điều hơn về cách suy nghĩ về tiền bạc, tài chính, cũng như việc quản lí chi tiêu, đầu tư, lập mục tiêu cho bản thân.

Cảm ơn anh rát nhiều về những chia sẻ.

Khi mình quyết định không buồn, không nghèo nữa – Lê Cát Trọng Lý – Have A Sip

Đây là video không về tài chính mà là những chia sẻ việc quyết định “không buồn, không nghèo” từ Lê Cát Trọng Lý.

Thích nghe nhạc chị Lý từ hồi sinh viên tới, ở video này mình cảm nhận ở chị Lý sự sâu sắc, trí tuệ, khiêm tốn nhưng cũng rất nhiều triết lý hay đáng để học hỏi. Video này cho mình chút chữa lành, bình yên nhưng cũng có tươi mới từ những suy nghĩ, cách sống và góc nhìn của chị về quyết định “hết buồn, hết nghèo”.

Từ ngữ không thể mô tả hết những cảm nhận của bản thân mình về video này, mình chỉ trích lại một vài câu nói của chị Lý mà mình ấn tượng trong video. Bạn xem thêm và cảm nhận nhé.

“Đôi khi không cần phải giải thích với công chúng về những việc mình đang làm.” Cứ làm và mang lại giá trị cho mọi người thôi, nhỉ. 😀

Mình có thể lựa chọn thời điểm hết buồn.”

Chất lượng cuộc sống nằm ở những mối quan hệ của họ.

Sống trong một xã hội bị dư thừa, thì cố gắng vượt sướng cũng là một nỗi khổ.”

Kết lại, dù mình có hoặc không giàu lên về tiền bạc, việc mở rộng và giàu lên về kiến thức về tài chính qua sách, podcast và chữa lành tâm hồn qua video cũng là một niềm vui và động lực phát triển bản thân mình mỗi ngày 😀

Cảm ơn các tác giả đã đúc kết những kinh nghiệm, bài học sâu sắc trong rất nhiều năm và truyền tải lại qua sách, podcast hay video. Học từ kinh nghiệm của người khác cũng là cách để mình có thể bước nhanh hơn với mục tiêu nhỏ của bản thân.

Dù hoàn cảnh kinh tế, xã hội mỗi thời mỗi khác, mình cảm thấy rằng mình đã được học hỏi thật nhiều, thêm chủ động và tự tin hơn trong cuộc sống.

Cảm ơn bạn đọc bài viết của mình nhé.

Chào tháng 05 rực rỡ. Tháng 05 ơi, bạn yêu mình, yêu người nhiều chút nha 😀

Stay positive, be present!

Oanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *