03 Test Trắc Nghiệm Tính Cách Hữu Ích Trong Công Việc Và Cuộc Sống

Quay lại với chuyên ngành Dược, bài viết này được tiếp tục sau chuỗi bài dược sĩ làm gì sau khi ra trường. Song song với kĩ năng cần thiết cho một công việc, tính cách của cá nhân cùng đóng một phần không nhỏ trong các lựa chọn nghề nghiệp cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Và trắc nghiệm tính cách là một trong những công cụ giúp mỗi người “hiểu mình” hơn để chọn nghề, cải thiện bản thân hiệu quả.

Nhìn lại khi ra trường hay khi đi làm được 1-2 năm, mình cũng có những băn khoăn về việc chưa rõ bản thân mình muốn gì, thích gì, mục tiêu phấn đấu của mình tiếp theo là gì. Tính cách công việc của mình liệu có phù hợp với tính chất của công việc mình tìm kiếm hay không. Bên cạnh đó, tính chất công việc bán hàng và chuyên viên thông tin y khoa yêu cầu mình cần nắm bắt tính cách và tâm lí khách hàng. Đây cũng là một điểm quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc cho cả hai phía: công ty và khách hàng.

Với sự phát triển nhanh và mạnh về dữ liệu như hiện nay, các bạn trẻ hơn mình có nhiều cơ hội để tiếp cận nhanh hơn với các nguồn thông tin cập nhật này. Các bài test sẽ giúp bạn nhiều trong việc cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc về bản thân cũng như lựa chọn đam mê/nghề nghiệp phù hợp. Chúng cũng được các nhà tuyển dụng sử dụng để tìm ứng viên phù hợp cho mỗi vị trí công việc và theo từng môi trường làm việc khác nhau. Tìm hiểu với mình nha. 🙂

Lợi ích của các test tính cách

Đối với nhà tuyển dụng và quản lí

Dù mình không tuyển dụng nhân sự nhưng mình nhận thấy các bộ phận tuyển dụng áp dụng các trắc nghiệm tính cách từ các buổi phỏng vấn mà mình từng tham gia một cách rất linh hoạt để tìm hiểu về ứng viên. Một số lợi ích có thể bao gồm:

  • Loại bỏ các ứng viên không phù hợp với các tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp
  • Hiểu được điểm mạnh, điểm yếu và tính cách của ứng viên liên quan với công việc, vị trí tuyển dụng cũng văn hoá của doanh nghiệp, từ đó có con đường phát triển cho ứng viên tiềm năng hoặc giữ chân nhân tài
  • Bậc quản lí (manager) áp dụng hiệu quả trong quản lí đội nhóm về năng suất làm việc, phân chia công việc và quản trị con người hài hoà, tránh mâu thuẫn

Đối với ứng viên

Sau này mình biết đến các bài trắc nghiệm tính cách cá nhân và nhìn lại các công việc/ lựa chọn mình đã làm, mình đã:

  • Thấu hiểu được tính cách, điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục của bản thân
  • Có các gợi ý nghề nghiệp cho nhóm tính cách của bản thân để phát triển chiều dọc hoặc mở rộng kĩ năng/ kiến thức theo chiều rộng
  • Có sự chuẩn bị khi đi phỏng vấn với các câu hỏi về tính cách cá nhân với nhà tuyển dụng
  • Có kiến thức về các nhóm tính cách khác, giúp mình hiểu và điều chỉnh bản thân khi làm việc nhóm hay mối quan hệ cá nhân

Lưu ý khi sử dụng các test tính cách

Dù các test tính cách đựoc sử dụng khá nhiều nhưng không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn. Sau một khoảng thời gian, bản thân mình khi làm lại test cũng có sự thay đổi. Các lưu ý bạn có thể xem qua như:

  • Chỉ làm test khi bạn cảm thấy ổn định tinh thần, không áp lực mệt mỏi hay căng thẳng
  • Trả lời các câu hỏi với lựa chọn xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của bạn và trung thực với thực tế, không nhầm lẫn với lí tưởng bạn muốn đạt được
  • Lặp lại bài test điều độ để đánh giá sự thay đổi về tính cách của bản thân và định hướng lại công việc/ sự nghiệp nếu cần. Bạn có thể áp dụng khi thấy nhàm chán hay mất động lực với công việc cũ hoặc định hướng phát triển công việc tiếp theo. Thời gian gợi ý là mỗi 6 tháng – 2 năm 1 lần
  • Không làm nhiều test cùng một lúc tránh nhiễu thông tin
  • Vì tính cách có thể thay đổi nên bạn không nên “dán nhãn” bản thân phụ thuộc vào kết quả. Hãy tìm cách thay đổi để cải thiện và định hình một số tính cách bản thân mong muốn

Bây giờ cùng mình tìm hiểu một số trắc nghiệm tính cách mình đã trải nghiệm qua nhé.

MBTI (Myers–Briggs Type Indicator)

Trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs (Myers-Briggs Type Indicator), viết tắt là MBTI, là một phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu tâm lý, tính cách cũng như cách con người nhận thức thế giới xung quanh hoặc đưa ra quyết định cho một vấn đề…

Phương pháp này có nền tảng từ lý thuyết phân loại từ những năm 1920s của Carl Gustav Jung – bác sĩ tâm lí học Thuỵ Sĩ, cha đẻ của “Tâm lý học phân tích”. Công cụ MBTI được phát triển vào những năm 1940 trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II bởi hai nhà khoa học Katharine Cook Briggs và Isabel Briggs Myers, với mục tiêu giúp các cá nhân tiếp cận những hiểu biết sâu sắc về lý thuyết tâm lí dễ dàng hơn trong cuộc sống hàng ngày.

MBTI sử dụng một chuỗi 76 câu hỏi liên tục nhằm đánh giá và phân loại tính cách của con người. Các tiêu chí đánh giá của MBTI dựa trên 04  phạm trù cơ bản, bao gồm:

#Favorite world (Xu hướng tự nhiên): Extraversion (Hướng ngoại) >< Introversion (Hướng nội)

#Information (Tìm hiểu và nhận thức thế giới): Sensing (Giác quan) >< Intuition (Trực giác)

#Decisions (Quyết định và lựa chọn): Thinking (Lý trí) >< Feeling (Cảm xúc)

#Structure (Cách thức hành động): Judging (Nguyên tắc) >< Perceiving (Linh hoạt)

Dựa trên 4 tiêu chí này, hai nhà khoa học đã phân tích và chia tách con người thành 16 nhóm tính cách khác nhau, tương ứng với sự kết hợp hài hoà của mỗi 4 tiêu chí, bao gồm:

  • ENFJ – Người cho đi
  • ENFP – Người truyền cảm hứng
  • ENTJ – Nhà điều hành
  • ENTP – Người có tầm nhìn
  • ESFJ – Người quan tâm
  • ESFP – Người trình diễn
  • ESTJ – Người bảo hộ
  • ESTP – Người thực thi
  • INFJ – Người che chở
  • INFP – Người lý tưởng hóa
  • INTJ – Nhà khoa học
  • INTP – Nhà tư duy
  • ISFJ – Người nuôi dưỡng
  • ISFP – Người nghệ sỹ
  • ISTJ – Người có trách nhiệm

Nguồn: trginternational.com

Trước đây mình đã cùng đồng nghiệp đã làm MBTI test tại công ty theo chương trình của nhân sự cho nhân viên. Hiện tại mình cũng vừa làm lại bài test này trước khi viết bài gửi đến các bạn, cũng để xem xét lại sự thay đổi của bản thân qua các năm. Với trải nghiệm của bản thân, mình có sự thay đổi về tỉ lệ của từng phần trong mỗi cặp tiêu chí, và có thay đổi 1 yếu tố. Điều này phù hợp với tính cách và suy nghĩ của mình hiện tại, với những lựa chọn những phát triển nho nhỏ cho bản thân.

Có rất nhiều nguồn tham khảo chi tiết và cụ thể về MBTI test nên mình chỉ chia sẻ sơ lược tại đây. Các thông tin cho từng nhóm tính cách thường khá nhiều, bao gồm định nghĩa, điểm mạnh điểm yếu, các mối quan hệ, tình yêu, xu hướng phát triển nghề nghiệp và những nhân vật nổi tiếng đại diện cho nhóm.

Bạn có thể tự làm bài trắc nghiệm miễn phí bằng tiếng Anh tại Free MBTI và xem kết quả có phù hợp với bản thân không nhé.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo một số website tiếng Việt (có thể có trả phí) như bên dưới:

  • https://mbti.vn/
  • https://testiq.vn/trac-nghiem-mbti-test.html
  • https://www.tracnghiemmbti.com/
  • http://aroma.vn/mbti/#lam-trac-nghiem

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các nhóm tính cách khác một cách đầy đủ, mình gợi ý bạn đọc thêm nguồn tham khảo tại MBTI Là Gì? 16 Nhóm Tính Cách MBTI nhé.

DISC Test

Trắc nghiệm tính cách DISC được tạo ra dựa trên lý thuyết DISC của nhà tâm lý học Harvard tên là William Moulton Marston (Charles Moulton) vào những năm 1920s. DISC là chữ viết tắt của Dominance – Influence – Steadiness – Compliance. Marston đưa ra những phát hiện của mình, trong đó giải thích rằng mọi người thể hiện cảm xúc của họ thông qua bốn loại hành vi: Thống trị (D), Ảnh hưởng (I), Kiên định (S), và Tuân thủ (C). 

Năm 1956, Walter Clarke, một nhà tâm lý học, đã xây dựng trắc nghiệm DISC dựa trên lý thuyết mô hình DISC của Marston.

Bên cạnh MBTI, DISC cũng cho phép xác định những nét tính cách đặc trưng của một người tại một thời điểm nhất định, qua đó giúp định hướng nghề nghiệp, trắc nghiệm tâm lý, giao tiếp hiệu quả trong công việc.

DISC đề cập đến 4 nhóm hành vi và 12 nhóm tính cách kết hợp.

4 nhóm hành vi bao gồm:

#Dominance (Nhóm người thống trị)

#Influence (Nhóm người tạo ảnh hưởng)

#Steadiness (Nhóm người kiên định)

#Compliance (Nhóm người tuân thủ)

Nguồn: TestIQ.vn

Mỗi cá nhân đều có đủ bốn nhóm tính cách trên, với mức độ/ tỉ lệ khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian tuy vào sự thích ứng linh hoạt. Đọc biểu đồ DISC cần chọn ra một hoặc hai nhóm chiếm phần trăm cao nhất để xác định tính cách điển hình của người đó. Do đó, 12 nhóm tính cách DISC kết hợp sẽ ưu tiên tỉ lệ của một hoặc hai thành phần để mô tả cá nhân đó, bao gồm:

  • DC – Người thách thức
  • D – Người Chiến thắng
  • DI – Người tìm kiếm
  • ID – Người chấp nhận rủi ro
  • I – Người nhiệt tình
  • IS – Người bạn
  • SI – Người cộng tác
  • S – Người hòa giải
  • SC – Kỹ thuật viên
  • CS – Người làm nền tảng
  • C – Nhà phân tích
  • CD – Người cầu toàn

Trắc nghiệm DISC có thể được sử dụng trong các công ty, doanh nghiệp lớn với bản có trả phí. Mình đã có cơ hội được làm và tham dự training cùng các đồng nghiệp tại công ty qua chương trình của vùng và nhân sự. Điều mình thấy hay là bản đánh giá cho mình các gợi ý khi làm việc với từng nhóm đối tượng hành vi khác nhau, giúp mình chủ động hơn trong giao tiếp và quản lí tâm lí/ cảm xúc bản thân. Mình học được nhiều khi áp dụng vào việc quan sát và thấu hiểu tính cách của mỗi đồng nghiệp cũng như khách hàng của mình. Mình biết cách ứng xử, giao tiếp phù hợp, làm viêc nhóm linh hoạt cũng như hoàn thành công việc một cách suôn sẻ hơn.

Phiên bản miễn phí của bài test có số lượng câu hỏi và đánh giá ít hơn bản trả phí, tuy vậy bạn vẫn có thể thử làm để kiểm tra sự phù hợp với tính cách của bản thân nhé.

Link bài test miễn phí tại DISC Personality Test 1 hoặc DISC personality Test 2.

Vì bản đánh giá có thể cần trả thêm phí nên sau khi làm test, bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn về đặc điểm của các tính cách này tại đây

RIASEC (Holland Code Test)

Theo cảm nhận riêng của bản thân, đây là trắc nghiệm không phổ biến bằng MBTI DISC. Tuy vậy bài test này cũng có độ chính xác cao, được sử dụng rộng rãi trong việc hướng nghiệp phổ thông tại các quốc gia có tiếng trong lĩnh vực giáo dục như Hà Lan, Thụy Sỹ, … RIASEC được phát triển bởi John L.Holland (1919 – 2008) – nhà tiến sỹ tâm lý học người Mỹ.

Nguồn: healthcareersinfo.net

Trắc nghiệm Holland chia tính cách con người thành 6 nhóm riêng biệt, tương ứng với 6 nhóm ngành nghề phổ biến. RIASEC cũng là từ viết tắt của 6 nhóm ngành nghề trên. Cụ thể là:

#Realistic (Nhóm ngành nghề kỹ thuật)

#Investigative (Nhóm ngành nghề nghiên cứu)

#Artistic (Nhóm ngành nghề nghệ thuật)

#Social (Nhóm ngành nghề xã hội)

#Enterprising (Nhóm ngành nghề quản lý)

#Conventional (Nhóm ngành nghề nghiệp vụ)

Link bài test tại Holland Code Test.

Dù trắc nghiệm không thể bao hàm và chính xác với tất cả mọi người, mình tin rằng những gợi ý này có thể giúp mỗi người bớt “chơi vơi” khi hiểu thêm về bản thân hơn. Ví dụ như phụ huynh và con cái hiểu nhau và thảo luận về định hướng nghề nghiệp tương lai. Hiểu bản thân giúp cho các bạn sinh viên định hình nhóm ngành nghề, chủ động tìm hiểu các công việc liên quan, làm thực tập, tích luỹ kinh nghiệm và xem xét sự phù hợp với nghề trước khi ra trường. Ngay cả mình khi đã đi làm, các bài test cũng giúp mình rất nhiều trong việc tối ưu kĩ năng mềm trong công việc, điều chỉnh hướng đi thăng tiến của nghề nghiệp, nhìn nhận các điểm mạnh khác để chủ động mở rộng phát triển nhiều hơn về những sở thích nhỏ khác hay cải thiện các điểm yếu của bản thân.

Và dù nếu bạn có đã chọn ngành nghề nào rồi, mình tin rằng tinh thần kiên trì, chịu khó học hỏi và đam mê và trách nhiệm với công việc sẽ luôn là điểm cộng để bạn vượt qua tất cả mọi khó khăn.

Mình không phải là chuyên gia về giáo dục, hướng nghiệp hay tuyển dụng. Trên đây chỉ là chia sẻ khái quát và cảm nhận của mình về những gì mình đã trải nghiệm.

Hi vọng bạn có một chút tham khảo hữu ích và bài viết có thể giúp bạn trong việc hiểu bản thân một chút nào đó nhé. 😀

Bạn có thể xem thêm dược sĩ làm gì tại

DƯỢC SĨ CÓ THỂ LÀM GÌ SAU KHI RA TRƯỜNG? – P1 

DƯỢC SĨ CÓ THỂ LÀM GÌ SAU KHI RA TRƯỜNG? – P2

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình nhé. Chúc bạn có công việc ưng ý và định hướng phát triển rõ ràng cho bản thân nha. 😀

Stay positive, be present!

Oanh

Nếu các bạn có góp ý cho bài viết thì comment bên dưới hoặc Facebook Page của blog nhé. Mình luôn ghi nhận và trân trọng các góp ý chân thành từ bạn để phát triển blog tốt hơn.

—————————————————————————————————————–

Nếu bài viết này hữu ích với bạn, có thể cũng sẽ hữu ích với người khác.

Hãy chia sẻ và ủng hộ cho blog Vũ Ngọc Oanh để giúp blog duy trì phi lợi nhuận bạn nhé.

Disclaimer: Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog. 

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *