06 Mẹo Nhỏ Giúp Mình Tiếp Thu Kiến Thức Chuyên Ngành Dược

Thời gian trôi vèo vèo. Mới ngày nào với là sinh viên năm nhất, giờ mình đã ra trường được gần 8 năm. Sáng nay trời Sài Gòn thì mưa mưa, Youtube tự động chuyển kênh “thời sinh viên có cây đàn ghi ta” :)) Thế là mình có cảm hứng viết một bài viết về khoảng thời gian học Dược của bản thân mình.

Bài viết này mình chỉ tập trung vào những mẹo nhỏ để HỌC trong trường Dược, không đề cập đến các vấn đề hoạt động ngoại khoá khác. Đây là những ghi nhận một số cách mà mình và các bạn học của mình đã dùng để học, hiểu và nạp kiến thức chuyên ngành khi là sinh viên Dược. Đó là thời mà mình và bạn học còn “học chung, ăn chung, uống chung, chơi chung, ngủ chung” những năm 2009-2014 ấy 😀

Trong bài viết này có mình và các bạn mình. Chào bạn đến với chuyên mục học cùng sinh viên Dược nhé.

Tham khảo cùng mình nha 😀

Xem lại giáo trình, sách, slide giảng dạy

Dù y học có sự phát triển không ngừng về các loại thuốc và cách tác động của thuốc lên cơ thể người, việc học và hiểu về cơ thể người về cấu trúc, chức năng, cơ chế bệnh lí, phản ứng sinh hoá,… đều được yêu cầu với tất cả sinh viên y dược.

Đây là kiến thức cơ bản được tích luỹ từ rất lâu, là nền tảng mà người học cần nắm rõ, bởi y dược là ngành liên quan đến sức khoẻ, sự sống của người bệnh. Giáo trình, sách, slides là nguồn tài liệu chính thức và không thể thiếu cho sinh viên Dược. Các kiến thức căn bản và ý chính được thầy cô cập nhật và khu trú trong những tài liệu trên. Nắm vững các kiến thức này giúp sinh viên tự mở rộng ý lớn ra những phần chi tiết nhỏ hơn khi tự học, từ đó tổng hợp lại những điều cần lưu ý.

Khi còn là sinh viên Dược, mình hay học theo slide và sách được quy định của theo chương trình giảng dạy của khoa. Bên cạnh đó, mình có mua thêm những sách giải thích kĩ hơn những điều mình chưa hiểu hoặc mượn bạn học khác (mượn sách giải phẫu của bạn học Y nè 😀 ). Nhớ lại có những lúc mình và các bạn học đọc slides hay sách kĩ đến mức mà chúng mình nhớ nội dung ấy thuộc trang nào, phần nào của bài nữa 😀 Nhớ thật và cũng sợ thật 😀

Nghe lại ghi âm/ bài giảng online

Do sự ảnh hưởng từ COVID-19, việc học online và các bài giảng online dần được phổ biến hơn. Nếu bạn cảm thấy việc nghe lại bài sinh động hơn đọc sách, bạn có thể thay đổi cách tiếp cận để thu nạp kiến thức tốt hơn.

Đây là cách bạn có thể dùng khi muốn quay lại tìm hiểu kĩ hơn về bài học và bù trừ cho những giây phút không thể bắt kịp bài giảng một số môn “khó nhằn”, cần giải thích nhiều từ thầy cô hoặc liên quan đến các cơ chế bệnh – thuốc phức tạp.

Từng là sinh viên, mình cũng đâu thể tránh được những lúc đang học thì cơn buồn ngủ vô tình ập đến hay lơ đãng. Nghe lại vài đoạn ghi âm ngắn là cách mình đảo lại bài giảng và ghi chú một lần nữa, giúp mình hiểu và nắm vững kiến thức hơn. Đương nhiên việc sử dụng các file này cần sự cho phép từ giảng viên hoặc người nói bài nhằm đảm bảo sự tôn trọng thầy cô về tất cả mọi mặt, trong đó có bản quyền bài giảng và công sức chuẩn bị.

Tìm hiểu kinh nghiệm và tài liệu các năm trước

Với sự ra đời của các thuốc mới và thay đổi của guideline điều trị của các bệnh theo từng năm, tài liệu học tập và hình thức thi cử cũng sẽ thay đổi tương ứng. Tuy vậy, việc tìm hiểu từ tài liệu các năm trước hay kinh nghiệm học tập và thi cử từ các anh chị khóa trên cũng là một cách để sinh viên Dược chủ động nắm được kiến thức chủ chốt, định hướng cách học cho từng bộ môn cụ thể.

Cụ thể, mình thường hỏi các anh chị về đề cương ôn thi, hình thức thi, các điểm chú ý khi thi, đặc biệt là các môn thực hành dễ trượt và dễ bị thi lại. Dù các câu hỏi hay nội dung mỗi năm học khác nhau, mình vẫn có thể chuẩn bị được tâm lí cho những môn học mình cảm thấy khó.

Đối với sinh viên năm cuối làm khoá luận, điều này quan trọng hơn bởi việc tham khảo các luận văn trước đó sẽ giúp sinh viên có cái nhìn rộng hơn về các kiến thức liên quan đề tài sẽ thực hiện, các format chuẩn hay tài liệu tham khảo cần thiết.

Xem Youtube

Một trong các cách tìm hiểu kiến thức y dược một cách trực quan là xem video. Nếu như slides cho bạn các điểm chính lưu ý, nghe ghi âm giúp bạn ghi chú các giải thích chi tiết của thầy cô, xem video sẽ giúp bạn tưởng tượng và hình ảnh hoá từng bước những kiến thức như cơ chế thuốc, cơ chế bệnh sinh, tác động của thuốc lên cơ thể,…

Điểm lợi của phát triển công nghệ thông tin hiện nay là mỗi sinh viên có thể tiếp cận những kiến thức trên những nền tảng miễn phí với chi phí 0 đồng. Với Youtube, bạn có thể tìm thấy các video tiếng Anh giải thích các cơ chế bệnh hay thuốc một cách toàn diện sinh động hơn, không chỉ đọc chữ trong slides bài giảng.

Việc đa dạng hoá phương pháp tiếp nhận thông tin sẽ giúp sinh viên tránh nhàm chán và thêm động lực tìm hiểu về chuyên môn hơn. Khi còn là sinh viên mình ít biết hình thức này, tuy vậy mình đã dùng cách này khi học cao học để hiểu về thuốc và bệnh nhanh hơn. Ngay cả khi đi làm mình cũng hay xem video của công ty hay Youtube để hiểu nhanh về các loại bệnh trước khi đi phỏng vấn xin việc hoặc bệnh và thuốc mình phụ trách trong công việc.

Gợi ý tới bạn hai kênh mình ưa thích là Speed Pharmacology (cơ chế liên quan đến thuốc) và Osmosis (bệnh sinh, chẩn đoán,…). Mình đánh giá đây là hai kênh sinh viên Dược có thể tham khảo để có thể học tốt hơn, và luyện tiếng Anh luôn cho bản thân cũng được nè ha. Riêng Osmosis đã có kênh OsmosisVietnamese sử dụng thuyết minh Tiếng Việt nếu bạn nào muốn tìm hiểu nhanh nhen. 😀

Try it for free bạn nhé. 🙂

Học nhóm

Đây là hình thức mình và bạn học áp dụng phổ biến nhất. Điều quan trọng là phải xác định tinh thần là “học nhóm” mà không phải là “chơi nhóm” (học xong rồi chơi thì được). Hihi. Không giấu gì bạn chứ tụi mình cũng ăn, uống, tám chuyện nhưng vẫn ưu tiên học là trên hết nha. 😀

Và trước khi học nhóm, mình và bạn học hay chuẩn bị trước những điều đã nắm và chưa nắm để buổi thảo luận có hiệu quả. Tinh thần teamwork được nâng cao hơn, đặc biệt khi chúng mình chuẩn bị những giai đoạn thi cử gấp rút trong thời gian ngắn, thi vấn đáp hoặc cần cập nhật nhanh các hướng dẫn điều trị thay đổi.

Học nhóm đem đến cho mình nhiều lợi ích như:

Được chia sẻ kiến thức

Chúng mình cùng chia sẻ về những ghi chú của thầy cô khi giảng bài, cách học nhanh, cũng như giải thích cho nhau những vấn đề khó hiểu. Mình có thể lấp các khoảng trống những điều thầy cô giảng ở lớp học mà mình bỏ qua, giải đáp được những thắc mắc và tìm ra đáp án cho các bài tập khó. Cách mình ghi nhớ tốt nhất là nói lại những điều mình học trong buổi học nhóm.

Tăng động lực học cho bản thân

Khác với học một mình, học nhóm thúc đẩy mình bắt kịp với tốc độ học của các thành viên khác cũng như góp công sức vào nhiệm vụ chung. Sự động viên từ các thành viên trong nhóm/ tổ cũng giúp mình tăng năng lượng tích cực khi học tập và tiếp thu. Học nhóm cũng giúp mình làm quen với môi trường đội nhóm, không bỡ ngỡ khi đi làm.

Tiết kiệm thời gian

Mình cảm nhận rõ nhất khi chúng mình bước vào kì thi vấn đáp hoặc làm tiểu luận. Sinh viên cần học và chuẩn bị các case lâm sàng, tài liệu liên quan, phán đoán, tra cứu các trường hợp có thể xảy ra và các câu hỏi có thể có giúp đảm bảo tính hợp lí và an toàn của điều trị. “Núi bài tập” sẽ được phân chia nhỏ hơn tới từng bạn, sau đó được hoàn thành và thảo luận thống nhất nội dung nhưng vẫn tiết kiệm thời gian và công sức cho mỗi thành viên trong tổ/nhóm.

Rèn luyện phản biện, giao tiếp

Mình và bạn học có xu hướng đặt câu hỏi “Why?”  khi học nhóm để có thể cùng nhau giải đáp thắc mắc về bài học hay những kiến thức chưa biết. Đôi khi mỗi thành viên có tư duy khác nhau cùng tranh luận một vấn đề sẽ đảm bảo các kiến thức được hiểu sâu hơn cũng như tăng khả năng phản biện của mỗi người.

Hỗ trợ thầy cô hoặc anh chị khoá trên về đề tài, khoá luận

Vì mình có định hướng làm luận văn khi tốt nghiệp nên mình tìm hiểu việc hỗ trợ thầy cô/ các anh chị khoá trên về đề tài hay khoá luận. 🙂

Mình học được nhiều điều từ việc nhỏ bé này. Việc hỗ trợ các anh chị khi làm thí nghiệm hay đọc dịch tài liệu giúp mình tự giác, độc lập hơn. Mình đã có thêm các kĩ năng sắp xếp và quản lí thời gian học – làm – chơi, cách tìm đọc tài liệu chuyên môn liên quan và hiểu hơn về quy trình nghiên cứu khoa học, tăng thêm sự tự tin khi chuẩn bị cho thực hiện đề tài và viết luận văn năm cuối cấp.

Một số bạn học của mình còn tham gia các dự án nhỏ của thầy cô như phát triển website, dịch thuật sách, vv để vừa học, vừa làm, vừa tăng kĩ năng và kiến thức liên quan đến môn học/ định hướng ngành nghề các bạn ưa thích.

Nếu bạn có thích nghiên cứu hoặc muốn tìm hiểu, các bạn sinh viên có thể tham gia vào các cuộc thi của khoa hay dự án nghiên cứu khoa học do thầy cô, trường tổ chức để cải thiện khả năng và kiến thức bản thân nhiều hơn.

Hiện nay mình đã ra trường 8 năm rồi, thế hệ trẻ hiện nay có thể có những cách khác nhau để học và tiếp thu kiến thức hiệu quả. Tuy nhiên, mình tin rằng những mẹo trên vẫn sẽ đem đến cho bạn nhiều lợi ích trên con đường học và thẩm thấu kiến thức chuyên ngành.

Kết bài với lời khuyên bạn hãy chọn cách học của riêng bạn vì chỉ bạn hiểu bản thân mình nhất. Bạn có thể đọc, viết, nghe, ghi chú, vẽ hình tuỳ vào sở thích của bạn nhằm ghi nhớ kiến thức tốt hơn nhé.

Tuỳ vào mức độ tập trung của bạn, bạn có thể chọn nơi yên tĩnh để học như thư viện, khu tự học để dễ tập trung hơn nè. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp Pomodoro tại:

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TĂNG CƯỜNG SỰ TẬP TRUNG VỚI PHƯƠNG PHÁP “QUẢ CÀ CHUA” POMODORO?

Trên đây là bài viết ngắn về những cách nho nhỏ mình sử dụng để nạp kiến thức khi còn là sinh viên. Mỗi bạn sinh viên sẽ có những phương pháp khác nhau để vượt qua 5-6 năm đại học của bản thân nhỉ. Chúc bạn luôn thành công nhé.

Viết bài này mình nhớ thời sinh viên của mình quá. 😀 Cảm ơn giai đoạn thanh xuân vật vã, cảm ơn bản thân và bạn học của mình, mình sẽ không bao giờ quên. 😀

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Luôn vui nhé! 😀

Stay positive, be present!

Oanh

 

Bài viết được đề xuất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *