Hôm bữa có dịp cà phê nói chuyện với bạn, chúng mình đã nói về “thất bại”. Nói về định nghĩa hơi văn vẻ chút, “thất bại” là trạng thái không đáp ứng được mục tiêu, mong muốn hoặc dự định, hay khi ta làm một việc gì đó nhưng công việc không đạt được kết quả như ta mong muốn, và có thể được xem là trái ngược với ý muốn. Thực tế mình cảm nhận không có mức đo lường cụ thể nào về thất bại cả.
Mỗi người có quan điểm khác nhau vì điều này tuỳ thuộc vào mong muốn hay mục tiêu của bản thân họ. Thất bại có thể là những điều lớn lao, ảnh hưởng cả cuộc đời, sự nghiệp, hay chỉ là một số điều nhỏ bé nhưng ta không thể chấp nhận được chúng. Có người nói về thất bại khi sự nghiệp phá sản, có người thì chuyện tình yêu hôn nhân không như ý, có người thì không thể nhìn thấy bản thân là ai và muốn gì,…
Và mình chậm chậm quan sát lại, trên mạng xã hội hay trong cuộc sống mọi người thường hay nói về những đích đến, những mục tiêu, kết quả, thành công đạt được nhưng ít ai nói về thất bại và những khó khăn của bản thân gặp phải. Hoặc có thể người ta né tránh nói về điều này để tránh trở thành người tiêu cực, hay than vãn, hoặc để mạnh mẽ lên chống chọi với xã hội ngoài kia.
Bài viết này mình chọn nói về thất bại sau phỏng vấn và những bài học mình nhận được. Gọi là “thất bại” vì với mình tại những thời điểm khi còn trẻ ấy, mình coi đó là điều to lớn cần đạt được để phát triển bản thân và có sự thay đổi về công việc có ý nghĩa. Sau này, khi trải qua một số chuyện lớn hơn trong cuộc sống, mình cảm nhận việc trượt phỏng vấn chỉ giống như một vài “ổ gà” trên con đường sự nghiệp của bản thân, và là việc chắc chắn sẽ phải gặp.
Điều quan trọng không phải là sự việc đã diễn ra như thế nào mà chính là bản thân mình cần rút kinh nghiệm cho những lần sau ra sao. Những lần thất bại ấy cho mình nhiều điều quý giá, giúp mình nhìn nhận bản thân và vững vàng hơn khi chuẩn bị cho cơ hội hay chặng đường tiếp theo về công việc hay cả những ngã rẽ cuộc sống. Bạn cùng mình điểm qua những gì mình học được, có được sau khi thất bại phỏng vấn nhé.
Thừa nhận sai lầm và học hỏi nhiều hơn
Với tâm lí không mất gì khi phỏng vấn, chỉ thu được kinh nghiệm, mình đã học hỏi được nhiều hơn. Mình cũng đã thử phỏng vấn nhiều vị trí khác nhau để xem xét công việc nào phù hợp với bản thân khi đứng trước những ngã ba lựa chọn về nghề nghiệp.
Sau mỗi lần không thành công, mình đã được học và hiểu được yêu cầu khác nhau giữa các vị trí về kĩ năng cần thiết, các công việc cụ thể trong từng vị trí. Mình cũng trả lời được câu hỏi rằng bản thân mình có thực sự ưa thích và hợp với công việc hay không. Mình có thể dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan trượt phỏng vấn, xác định điểm mạnh để tiếp tục phát huy, biết được điểm yếu cần cải thiện.
Ví dụ đơn giản như là việc chuẩn bị thật tốt, chuẩn bị CV in, trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng một cách súc tích ngắn gọn theo các quy tắc nhưng vẫn đảm bảo đủ ý,…Các chia sẻ của mình khi chuẩn bị phỏng vấn đa phần là góp nhặt những bài học từ thất bại của mình sau những lần phỏng vấn ấy, bạn có thể tìm đọc dưới đây nhen 🙂
Mình Đã Làm Gì Để Chủ Động Và Tự Tin Hơn Khi Phỏng Vấn Xin Việc?
Ngay thời điểm trượt phỏng vấn, mình có buồn nè, nhưng nghĩ lại liệu mình đủ khả năng cho vị trí ấy chưa. Liệu mình có tự cao tự mãn không nếu mình thi đâu đậu đó, phỏng vấn đâu trúng đó hay không? 🙂 Nhìn lại, mình vẫn cảm thấy biết ơn thật nhiều vì thất bại dạy cho mình sự khiêm tốn trong mọi khía cạnh cuộc sống. Thất bại của lúc đó không quyết định thành công hay thất bại trong tương lai, bạn nhỉ 🙂
Nhìn nhận và thấu hiểu cảm xúc của bản thân
Nói một chút về cảm xúc mình cảm nhận được ngay khi trượt phỏng vấn. Đó là tập hợp cảm giác buồn rầu, chán nản, khó chịu, bực bội, áp lực với bản thân… Những cảm xúc này có thể xuất hiện ngay sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, hay là khi mình nhận được kết quả từ nhà tuyển dụng sau một khoảng thời gian chờ đợi. Hihi.
Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là gạt đi, bỏ qua hoàn toàn những cảm xúc và vấn đề của bản thân. Dù muốn hay không đi chăng nữa, mình vẫn phải luôn nhìn vào sự thật là mình đang buồn, chán,… và mình cần cố gắng hơn ở những lần sau. Đó là cách mình tự đối diện với bản thân mình, không trốn tránh cảm xúc, không né tránh hiện thực và không đỗ lỗi cho bất kì yếu tố khách quan nào bên ngoài như hoàn cảnh, người khác, hay không tự chất vấn bản thân rằng đáng lẽ mình nên làm thế này, không nên làm thế kia…
Trải qua những lần như vậy, mình biết cách tập trung vào những điều nằm trong sự kiểm soát của bản thân, cho mình một khoảng “thời gian được buồn” nhưng không quá tiếc nuối trước khi quay về trạng thái bình thường. Việc nhỏ thì thời gian ngắn (nửa ngày), việc lớn khác thì lâu hơn nhưng cố gắng không để quá 1 tuần. Đó là khoảng thời gian mình buồn cho đã, sau đó sốc lại tinh thần và cảm xúc cho những khởi đầu và thử thách tiếp theo.
Thay đổi định hướng công việc
Việc không được nhận vào công việc nào đó trong một vài trường hợp có thể không phải là bạn không có năng lực mà là khả năng bạn phù hợp với công việc/vị trí khác hơn. Có những thành viên phỏng vấn vị trí này nhưng năng lực cao, tốt hay phù hợp vị trí khác vẫn được cân nhắc cho công việc khác trong công ty chẳng hạn. Mình cảm nhận mỗi người đều có bản sắc riêng, điểm mạnh riêng bởi không ai giỏi toàn bộ tất cả các lĩnh vực. Điều đặc biệt sau phỏng vấn là mình nhận được rất nhiều lời khuyên về các con đường có thể phát triển, cũng như những nhận định về ưu khuyết điểm của bản thân. Những lời khuyên này đến từ nhà tuyển dụng, các anh chị nhân sự, quản lí có nhiều kinh nghiệm, và đồng nghiệp quan sát được khi nói chuyện hay làm việc với mình.
Những lần thất bại đó có thể vì bản thân mỗi người chưa đi đúng hướng. Sau nhiều lần trượt phỏng vấn mình mới nhận ra hướng đi đúng (hoặc tạm coi là đúng tại thời điểm mình lựa chọn) của bản thân. Qua những lần phỏng vấn ấy, mình định hình được phong cách, kĩ năng muốn phát triển, công việc mình muốn làm và lựa chọn công việc mình ưa thích.
Việc định hướng công việc có thể thay đổi theo thời gian phụ thuộc vào mục tiêu phát triển của mỗi người. Ví dụ như lúc ra trường mình làm Trình dược viên, sau 5 năm đi phỏng vấn nhiều vị trí và quyết định theo hướng y khoa trong công ty Dược. Sau này 10 năm – 20 năm, có thể mình sẽ có định hướng mới chẳng hạn. Có những bạn đồng nghiệp của mình đã lựa chọn và thay đổi môi trường làm việc khác công ty sau những lần phỏng vấn như bệnh viện, giảng dạy, … hay là cả định hướng nghề nghiệp tương lai như làm kinh doanh hay làm việc trái ngành không liên quan đến Dược.
Biết tận hưởng cuộc sống nhiều hơn
Bên cạnh việc nhìn nhận khả năng của bản thân, rút kinh nghiệm cho các lần sau, mình có thể tự kiểm soát cảm xúc của bản thân qua những lần bi quan, chán nản. Mình nhận ra cảm xúc của mình ổn định hơn trong những lần phỏng vấn sau, tự biết thay đổi những điều kém, làm sai có thể sửa, suy nghĩ về cách làm khác nếu gặp trường hợp tương tự.
Mình không còn quá nghiêm trọng hoá vấn đề, thiếu tự tin và nhụt chí. Và đặc biệt là nhận ra mình không hề quá tiếc nuối như mình suy nghĩ khi đã cố gắng hết sức và dành trọn sự tập trung cao độ nhất cho những buổi phỏng vấn.
Đó là lúc mình tận hưởng được điều trọn vẹn của cuộc sống. Đọc thêm sách, làm một vài bài tập, học một chút, tự thưởng an ủi hay yêu thương bản thân hơn. Tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác nhằm rèn luyện thêm kĩ năng là điều mình luôn tin tưởng vào một ngày mình nhận được những điều mình mong muốn.
Tạo dựng kết nối
Hẳn nếu bạn đã từng trượt phỏng vấn, bạn đôi lúc có thể nghĩ như đây là kết thúc với nhà tuyển dụng và bản thân sẽ ít có cơ hội sau ở công ty từng phỏng vấn. Mình cũng đã từng như vậy, nhưng qua thời gian bản thân mình đã dần thay đổi suy nghĩ rằng có khi nào đây mới chỉ là sự bắt đầu.
Mỗi công ty có văn hoá khác nhau và vị trí công việc có yêu cầu khác nhau. Khi trượt phỏng vấn, mình thường xin lại feedback phỏng vấn từ nhà tuyển dụng. Đây là cách mình có thể liên hệ với nhà tuyển dụng và có được những nhận xét, đánh giá từ góc nhìn của người phỏng vấn. Họ là những chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng và mình thực sự nhận được những đóng góp giá trị cho bản thân.
Với các vị trí bản thân chưa phù hợp do thiếu kĩ năng, hoặc vì một lí do nào đó chưa thể đi làm, mình thường và cố gắng hỗ trợ tìm các ứng viên cho nhà tuyển dụng trong phạm vi mình có thể giúp đỡ. Mình mong muốn sự hỗ trợ lẫn nhau này có thể đâu đó giúp nhà tuyển dụng một phần nho nhỏ trong việc tìm kiếm ứng viên phù hợp, giúp bạn bè mình có cơ hội tiếp cận một công việc mới và cũng giúp mình cảm thấy mình đã làm được việc gì ấy có ích. Mình cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi giúp đỡ và kết nối được nhiều người hơn.
Tiếp tục kiên trì, cố gắng
Với công việc nói riêng và những vấn đề trong cuộc sống nói chung, mình cảm nhận đi nhanh hay đi chậm không quan trọng bằng việc bản thân có quyết định đi tiếp hay không. Dù đường vòng hay đường thẳng thì vẫn phải tiếp tục thử và sai. Và trượt phỏng vấn lần này mình lại kiếm tìm cơ hội phỏng vấn lần khác với sự truởng thành hơn, đi kèm những chuẩn bị tốt hơn và khắc phục những sai lầm trước đó.
Thất bại phỏng vấn có lẽ cũng như một món quà nếu mình nhìn nhận nó như vậy. 🙂
Trên đây chỉ là những tản mạn, tâm sự và chia sẻ nhỏ của riêng bản thân mình với những trải nghiệm đã qua, không phải các mẹo hay kinh nghiệm gì to lớn. Chuyện gì trên đời cũng sẽ có giá của nó nhỉ, trượt phỏng vấn hay thất bại điều gì đó có thể như một lần dừng xe đèn đỏ, để bạn lại chậm chút xíu, ngắm nhìn xung quanh và chuẩn bị rồ ga đi tiếp khi có đèn xanh.
Ngay cả những người nổi tiếng, triệu phú tỉ phú như Bill Gates, Walt Disney, Steve Jobs… cũng từng nếm trải nhiều thất bại cay đắng để đạt đến đỉnh cao sự nghiệp mà. 🙂 Nên nếu muốn xin việc, thay đổi công việc trong một hệ thống công ty, cơ quan, vv hay cả định hướng nghề nghiệp thì mình và bạn hãy vẫn cứ tự tin, kiên trì tiếp thôi. Ít ra ta cũng được chọn vào vòng cạnh tranh với các ứng viên tiềm năng cho vị trí ấy rồi. 🙂
Thất bại cho bạn những bài học hay cảm xúc gì? Mình cũng muốn nghe về câu chuyện của riêng bạn lắm. 🙂 Kể mình nghe nhé, ở comment, qua email hay facebook nè. 🙂
Chúc bạn ngày vui và cảm ơn bạn thật nhiều đã đọc bài viết của mình. 🙂
Stay positive, be present!
Oanh
Nếu các bạn có góp ý cho bài viết thì comment bên dưới hoặc Facebook Page của blog nhé. Mình luôn ghi nhận và trân trọng các góp ý chân thành từ bạn để phát triển blog tốt hơn.
—————————————————————————————————————–
Nếu bài viết này hữu ích với bạn, có thể cũng sẽ hữu ích với người khác.
Hãy chia sẻ và ủng hộ cho blog Vũ Ngọc Oanh để giúp blog duy trì phi lợi nhuận bạn nhé.
Disclaimer: Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog.