Dược Sĩ Có Thể Làm Gì Sau Khi Ra Trường? – Phần 2

Tiếp nối bài viết phần 1 về “Dược sĩ có thể làm gì sau khi ra trường?”, phần 2 này mình tập trung chủ yếu về các công việc, các nhánh ngành nghề bạn có thể tìm thấy khi bạn định hướng làm cho một công ty Dược, đặc biệt là Công ty Dược đa quốc gia (Mutinational Companies – MNCs).

Với một số công ty có quy mô nhỏ, các vị trí có thể được bao gồm chung trong một bộ phận/ phòng ban. Một nhân viên có thể phụ trách nhiều công việc khác nhau. Tuy vậy, ở các công ty/ tập đoàn lớn (Big Corp),  các công việc được cụ thể và chuyên môn hoá nhiều hơn. Mỗi nhân viên sẽ hiểu và phụ trách sâu về khối công việc của bản thân. Mình sẽ cố gắng nêu chi tiết đặc điểm từng công việc để bạn có thể thấy sự khác biệt và hiểu hơn về con đường nghề nghiệp này nhé.

Bài viết sẽ bao gồm một số từ hoặc thuật ngữ tiếng Anh được dùng phổ biến trong công ty Dược. Vì mỗi công ty sẽ có cách biên dịch từng vị trí khác nhau nên mình sẽ cố gắng sử dụng từ theo trải nghiệm của mình nhé.

Bài viết này cũng sẽ khá dài, nhưng mình tin là bạn sẽ nhận được nhiều điều khi đọc hết đấy. 😀 Giờ thì bạn cùng bắt đầu khám phá các thông tin dưới đây với mình nha. 😀

Ưu và nhược điểm của môi trường làm việc

Bản thân mình khi lựa chọn công việc này bởi vì mình thích tìm hiểu cái mới. Các nhánh công việc trong công ty Dược bên cạnh việc củng cố kiến thức chuyên môn khoa học mà mình được học trong trường, còn đòi hỏi sự thích ứng nhanh với thay đổi, sự sáng tạo trong công việc với những thử thách mỗi ngày.

Điều này cho mình những hứng thú khi được tiếp cận, học tập những kiến thức mới ngay từ rất sớm, kể cả khi chưa áp dụng tại Việt Nam. Việc lựa chọn một công việc trong pharmaceutical industry cũng sẽ bao gồm một số ưu điểm và khuyết điểm bạn nên cân nhắc để định hướng bản thân. Tham khảo dưới đây với mình nha.

Sau khi xem xong ưu và nhược điểm, nếu bạn xác định tiếp tục chọn công việc, hãy cùng mình xem tiếp nhé.

Ở công ty Dược bạn có thể phát triển bản thân và lộ trình cho sự nghiệp với nhiều nhánh công việc khác nhau như sau:

Sale

Đây được xem là định hướng chủ yếu của dược sĩ khi ra trường nếu muốn đi theo con đường phát triển trong công ty Dược. Điều này gắn liền với tính thiết yếu của ngành nghề và nhu cầu về chăm sóc sức khỏe này càng tăng của người dân. Đây cũng là con đường mình được tiếp cận nhiều qua các chương trình hội thảo giới thiệu của các công ty khi còn là sinh viên dược.

Bước khởi đầu của nghề này là vị trí Trình Dược Viên (Medical Represenntative – Med Rep). Hiện nay tại Việt Nam, công việc này được gọi là Người giới thiệu thuốc. Mình đã làm 6 năm nên mình chia sẻ hơi nhiều về phần này chút nha 😀

Mặc dù được xếp vào nhánh ngành nghề phân phối/ bán hàng (seller), do tính chất công việc nên TDV sẽ tiếp xúc với bác sĩ, ít tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và thuốc. Việc mua bán, trao đổi, phân phối thuốc được thực hiện bởi các kênh phân phối riêng biệt.

Bạn có thể hiểu TDV là một trung gian liên lạc, một “nhân viên marketing nhỏ” làm cầu nối giữa công ty và khách hàng, nhằm giới thiệu các thông tin liên quan đến sản phẩm thuốc/ thiết bị tới bác sĩ, dược sĩ tại bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc,…

Các thông tin có thể bao gồm cách sử dụng, tác dụng, hiệu quả, theo dõi an toàn hay trả lời các câu hỏi và thông tin liên quan tới bệnh nhân khi sử dụng thuốc/ thiết bị. Những thông tin này được lặp lại nhiều lần giúp bác sĩ, dược sĩ có thể ghi nhớ để sử dụng thuốc cho bệnh nhân, đồng thời tiết kiệm một phần thời gian tra cứu.

Ngoài ra điều này còn giúp khách hàng có thể cập nhật nhanh hơn các xu hướng điều trị thay đổi theo mỗi năm, đặc biệt với sự ra đời và phát triển liên tục của các thuốc/ thiết bị mới.

Các hoạt động chính bao gồm:

  • Xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng
  • Giới thiệu và cung cấp các thông tin về sản phẩm
  • Theo dõi và hỗ trợ các vấn đề về cung ứng thuốc tại địa bàn (field)
  • Phân tích và báo cáo về tình hình địa bàn, giải đáp thắc mắc từ khách hàng
  • Tham gia và hoàn thành các khoá huấn luyện kĩ năng/ sản phẩm từ công ty

Bạn có thể ứng tuyển vào kênh OTC (Over The Counter – thuốc không kê đơn) hoặc ETC (Ethical drugs – thuốc kê đơn).

Sau khi đã có kinh nghiệm, bạn có thể phát triển lên các vị trí cao hơn như Area Manager/ District Manager (Quản lý khu vực) -> Regional Manager (Quản lý vùng) -> Business Unit Manager/ Head (Quản lý/ Trưởng đơn vị kinh doanh). Vị trí cao hơn sẽ yêu cầu kĩ năng cao hơn như coaching, quản lí đội nhóm, hoạch định chiến lược cho vùng địa bàn hay cả nước,…

Bên cạnh ưu điểm công việc với sự năng động, ít gò bó thời gian, được đào tạo bài bản, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần vững chãi về các thử thách về doanh số, di chuyển địa bàn nhiều, vượt qua cảm xúc tiêu cực và luôn thúc đẩy bản thân cố gắng học hỏi điều mới để tránh nhàm chán nhé.

Key Account Management

Với công việc này, mình chủ yếu đề cập đến việc phụ trách thầu ở các bệnh viện, phòng khám. Với một số công ty nhỏ, phần công việc này có thể do Quản lý khu vực hay TDV phụ trách. Đây cũng là một hướng bạn có thể xem xét phát triển từ vị trí TDV nha.

Công việc chủ yếu bao gồm

  • Xây dựng kế hoạch đấu thầu với giá, số lượng thuốc/ thiết bị phù hợp với chiến lược của marketing và sale
  • Phát triển, xây dựng chiến lược và chương trình bán hàng cho từng nhánh/ nhóm khách hàng (bệnh viện công, tư, nhà thuốc, phòng khám)
  • Phân tích số liệu báo cáo mỗi quý, tháng nhằm đưa ra kế hoạch kịp thời
  • Xây dựng quan hệ với khách hàng, hỗ trợ các hoạt động nhằm thúc đẩy thuận lợi đưa các thuốc/ thiết bị vào danh mục và bán hàng trong tương lai

Tuỳ vào chính sách từng công ty mà công việc của bạn sẽ có/ không bao gồm doanh số nhé.

Con đường phát triển cho bạn có thể là: Senior Med Rep (TDV có kinh nghiệm) -> Key Account Executive (Chuyên viên thầu) -> Key Account Manager (Quản lí thầu)

Nếu bạn có kĩ năng về lên kế hoạch, thương lượng, giao tiếp và hiểu biết về thông tư/luật và thầu từ địa bàn bạn phụ trách, đây có thể là con đường phát triển phù hợp với bạn. 😀

Marketing

Bên cạnh định hướng sale, marketing (MKT) là hướng đi được nhiều dược sĩ lựa chọn cho con đường phát triển nghề nghiệp của bản thân. Vì tính chất đặc thù của sản phẩm (thuốc/ thiết bị) liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng, MKT dược có sự khác biệt hơn về tư duy cũng như hình thức so với các ngành hàng tiêu dùng.

Vị trí này cũng yêu cầu một số hiểu biết và kĩ năng chuyên môn về dược nên đây là cơ hội lớn cho các dược sĩ “thử sức” với những thuận lợi về thu nhập cũng như con đường thăng tiến nghề nghiệp lâu dài.

Bạn có thể hình dung công việc MKT dược là lên chiến lược và thực hiện chiến lược tiếp thị sản phẩm, kế hoạch tiếp thị và tất cả các hoạt động tiếp thị và bán hàng liên quan tới một loại thuốc, nhóm thuốc, dinh dưỡng chăm sóc sức khoẻ hay thiết bị y tế. Khách hàng của marketer bao gồm:

  • Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế (external customer): tăng nhận thức và tiếp cận sản phẩm
  • Nhân viên trong công ty (internal customer): thuyết phục cùng thực hiện các chiến lược đã đặt ra

Các công việc chính của một marketer bao gồm:

  • Quản lý ngân sách của nhãn hàng (tối ưu chi phí tiếp thị)
  • Xây dựng  và lập kế hoạch MKT, đặc biệt là cùng các phòng ban khác nghiên cứu thị trường và tạo ra các ý tưởng phát triển các sản phẩm mới: kế hoạch sản phẩm, giá, kênh phân phối, khách hàng chính, địa bàn chính và truyền thông (nội dung, key messages)
  • Tổ chức và đánh giá các hoạt động truyền thông: hội nghị, hội thảo, hoạt động liên kết tài trợ hợp tác bệnh viện/hội
  • Tổ chức và thực hiện các dự án nhằm thúc đẩy bộ phận bán hàng (sale) thực hiện chiến lược đề ra: tài liệu về sản phẩm (handle objections, slides huấn luyện, các cuộc thi về kiến thức sản phẩm), …

Lộ trình phát triển cho MKT khá rộng mở. Dù không phải marketer nào cũng là dược sĩ và phát triển lên từ TDV, lộ trình này vẫn phổ biến trong công ty Dược. Các kĩ năng bạn có được khi làm sale sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc định hướng, phân tích địa bàn và giao tiếp với khách hàng. Bạn có thể tham khảo con đường sau nha.

Senior Med Rep (TDV có kinh nghiệm) -> Product Executive (Chuyên viên sản phẩm) -> Associate Brand Manager (Trợ lí nhãn hàng) -> (Group) Brand Manager/ Product Manager (Quản lí nhãn hàng) -> Marketing Manager (Trưởng phòng Marketing) -> Marketing Director (Giám đốc Marketing).

Nếu bạn yêu thích MKT, sáng tạo, có tư duy chiến lược, kĩ năng thương lượng, thuyết phục và truyền cảm hứng, bạn có thể tham khảo con đường này nhé. Mình cũng được truyền cảm hứng từ các anh/ chị/ bạn mình làm MKT lắm. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần thép với khối lượng công việc và áp lực của các vị trí này nhé. 😀

Clinical Research

Bạn có từng nghe qua công việc này chưa? Đây là một trong những lựa chọn của dược sĩ vì công việc này có liên quan đến việc chuyên môn của chúng mình với việc tiến hành và giám sát các nghiên cứu khoa học nè.

Được ví như “trái tim và tâm hồn” của thử nghiệm, bạn có vai trò quan trọng là “thư kí” hỗ trợ nghiên cứu viên (investigator) thực hiện nghiên cứu và giám sát nhóm nghiên cứu lâm sàng.

Bạn có thể tìm vị trí tại các công ty Dược hoặc công ty liên kết thực hiện các thử nghiệm lâm sàng cho công ty Dược. Hiểu nôm na là thuốc/ sinh phẩm cần được tiến hành một số thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả và an toàn trên bệnh nhân tại mỗi quốc gia. Bạn cần đảm bảo chất lượng các dữ liệu nghiên cứu tại các địa điểm tiến hành. Công việc chủ yếu của bạn có thể gồm

  • Chuẩn bị tài liệu liên quan nghiên cứu (đề cương, bệnh án, tài liệu cho nghiên cứu viên, thư thoả thuận và hợp đồng) và theo dõi kết quả từ Hội đồng đạo đức
  • Tập huấn các nhân viên về quy trình nghiên cứu.
  • Lên kế hoạch, thực hiện, điều phối thu thập dữ liệu, giám sát theo quy trình chuẩn trong đề cương nghiên cứu
  • Hỗ trợ, báo cáo mỗi lần thăm khám của bệnh nhân (lịch khám, ghi nhận hiệu quả thuốc, xét nghiệm, tuân thủ, phản ứng có hại,..)
  • Hỗ trợ các tài liệu khác theo sự phân công của người phụ trách đề tài và các yêu cầu từ nhà tài trợ.
  • Tham gia các khoá huấn luyện nhằm cập nhật những thay đổi về mô thức nghiên cứu/ quy trình.

Con đường phát triển của bạn có thể là Clinical Trial Assistant (Trợ lí thử nghiệm lâm sàng) -> Clinical Research Coordinator (Điều phối viên nghiên cứu lâm sàng) hoặc Clinical Research  Associate (Giám sát nghiên cứu lâm sàng) -> Clinical Research Manager (Quản lí nghiên cứu lâm sàng)

Nếu bạn thích nghiên cứu, khá tiếng Anh, tỉ mỉ, kiên trì và chu đáo trong giao tiếp, bạn có thể cân nhắc nhe 😀

Medical Affairs

Tiếp theo là công việc thuộc bộ phận Y khoa. Bạn còn đọc tiếp không? 😀

Mình hay gọi tắt là “Medical”. Trước đây các vị trí Medical thường yêu cầu bác sĩ, hiện nay các dược sĩ đã có cơ hội nhiều hơn.

Về tổng quát, đây là bộ phận tương tự MKT nhưng thiên về học thuật và dữ liệu y khoa nhiều hơn. Công việc chủ yếu bao gồm cung cấp và trao đổi thông tin khoa học (scientific exchange) về bệnh học cũng như sản phẩm tới nội bộ công ty và khách hàng.

Nội dung tập trung vào bệnh học, cơ chế, hiệu quả – an toàn của thuốc, các nghiên cứu, chỉ định của thuốc và cả những dữ liệu thực tế của các thuốc đã lưu hành lâu trên thị trường. Ngoài ra, với các sản phẩm mới (new launching products), Medical đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường, thực hiện các hoạt động y khoa cung cấp thông tin cho bác sĩ trước khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu.

Tính tới thời điểm hiện tại, mình có kinh nghiệm hơn 1 năm từ vị trí entry level là MSL (Medical Science Liaison). Cùng mình tìm hiểu thêm về 1 ngày đi làm của MSL (field – based medical) bên dưới nhé.

  • Trên field:
    • Tương tự như TDV, MSL là “trợ thủ đắc lực” của Medical, là người đi gặp trực tiếp bác sĩ hàng ngày để trao đổi các thông tin về thuốc, trả lời các phản biện (handle objections) và thu thập các nhu cầu thực sự (insights) của khách hàng.
    • Tuy nhiên, khác với TDV chỉ được đề cập đến thông tin kê toa (on-label information), MSL có thể được đề cập đến dữ liệu ngoài thông tin kê toa (off-label information) dưới dạng trả lời câu hỏi và không chủ động (reactive approach).
    • Tham dự các hội thảo khoa học để học hỏi thêm về bệnh lý và thu thập thông tin về thuốc khác trên thị trường
  • Tại văn phòng:
    • Huấn luyện nội bộ: bệnh học, sản phẩm, handle objections,…
    • Báo cáo calls và ghi nhận insights
    • Lên plan và tiến hành các hoạt động y khoa: group presentation, hội thảo khoa học, hội thảo chuyên gia, …
    • Làm việc cùng các bộ phận khác lên chiến lược cho sản phẩm, review giấy tờ cần thiết
    • Tham gia các khoá huấn luyện bên vùng về kĩ năng cho MSL, cập nhật thông tin sản phẩm mới
    • Trả lời các thắc mắc y khoa (medical inquiries) của khách hàng

Lộ trình bạn có thể tham khảo là Medical Science Liaison (Chuyên viên thông tin y khoa) -> Medical Advisor (Cố vấn y khoa) -> Medical Affairs Manager (Quản lí y khoa) -> Head of Medical Affairs (Trưởng bộ phận y khoa).

Với đặc điểm công việc trên, yêu cầu về chuyên môn, kĩ năng (giao tiếp, thuyết trình), và ngoại ngữ là cần thiết. Bạn có thể rèn luyện thêm các kĩ năng và nâng cao chuyên môn và tìm cho bản thân một cơ hội nhé.

Market Access

Nói để dễ hiểu hơn thì Market Access là tiếp cận thị trường. Đây là bước quan trọng giúp đưa một thuốc/ thiết bị/sản phẩm chăm sóc sức khỏe thâm nhập sâu hơn vào thị trường theo các yêu cầu, quy định quy chế của mỗi vùng, mỗi quốc gia. Quá trình một công ty đưa ra thị trường một sản phẩm, một dịch vụ cần có sự nghiên cứu sâu (giá, đối thủ cạnh tranh, tệp khách hàng, yêu cầu của Cơ quan Y tế xét duyệt sản phẩm, bảo hiểm,…) và phương pháp tiếp cận đúng đắn và hợp lí.

Công việc của Market Access bao gồm:

  • Nghiên cứu các chính sách và quy định về định giá, bảo hiểm, bệnh viện/phòng khám muốn đưa thuốc vào danh mục (listing thuốc).
  • Xây dựng mối quan hệ khách hàng với Cơ quan quản lý nhà nước, đàm phán các chính sách nhằm hỗ trợ cho bệnh nhân
  • Xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường: rủi ro/cơ hội, chiến lược ngắn hạn/dài hạn, kế hoạch hành động cụ thể
  • Cân đối và quản lí ngân sách
  • Đánh giá kinh tế – y tế, xây  các chương trình hỗ trợ cho thuốc mới hoặc thương lượng định giá cho sản phẩm lâu đời
  • Hỗ trợ bộ phận bán hàng (Sale & Marketing) về việc đánh giá các dự án/ thử nghiệm có tiềm năng hoặc vận động danh mục tại địa bàn lớn
  • Tham gia các buổi họp/ đào tạo với vùng nhằm cập nhật tiến độ tiếp cận thị trường của sản phẩm tại mỗi cuốc gia

Nếu bạn đã tích luỹ kinh nghiệm trong mảng sale, MKT hay Medical, có kĩ năng thương lượng, đàm phán, tạo mối quan hệ và quản lý lãnh đạo tốt, Market Access có thể là lựa chọn mới cho bạn trong con đường phát triển sự nghiệp. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần chịu áp lực vì sẽ có lúc cần chạy deadline nhé.

Bạn có thể tham khảo lộ trình sau:

Market Access Assistant/Executive (Chuyên viên Tiếp cận thị trường) -> Market Access Associate (Trợ lí Tiếp cận thị trường) -> Market Access Manager (Quản lí Tiếp cận thị trường) -> Head of Market Access/ National Market Access Manager (Trưởng bộ phận/ Quản lí toàn quốc Tiếp cận thị trường)

Regulatory Affairs

Regulatory Affairs (RA), hay Government Affairs là bộ phận tư vấn đảm bảo cho công ty tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành liên quan đến toàn bộ quá trình kinh doanh của sản phẩm.

Công việc chủ yếu là làm việc với các cơ quan quản lý địa phương và đa quốc gia (Cục Quản lí Dược, Cục An toàn thực phẩm,..), chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, thủ tục nhằm cấp phép cho sản phẩm lưu hành trên thị trường.

Để dễ hiểu hơn, bạn có thể nghĩ đến những tài liệu như hướng dẫn sử dụng thuốc, thông tin kê toa, đăng kí số VISA cho thuốc, gia hạn VISA khi hết hạn là một phần kết quả công việc của RA.

Với đặc điểm công việc liên quan tới giấy tờ và hiểu về luật, thủ tục hiện hành, RA yêu cầu cao về các kĩ năng tổ chức và quản lý dự án, đàm phán, giao tiếp, và ngoại ngữ.

Các chuyên gia về pháp lý (regulatory professional) thường có xuất phát điểm đa dạng từ cử nhân hoặc sau đại học trong nhiều lĩnh vực khoa học và kĩ thuật. Nếu yêu thích công việc này, bạn có thể khởi đầu với công việc trong công ty nhỏ và ứng tuyển vào các công ty lớn hơn nhé.

Drug Safety/ Pharmacovigilance

Drug Safety/ Pharmacovigilance (Cảnh giác Dược) tại các công ty nhỏ, bộ phận này có thể được bao gồm trong Regulatory Affairs. Ở công ty/ tập đoàn lớn, bộ phận này được tách riêng.

Công việc chủ yếu bao gồm:

  • Thu thập, theo dõi và báo cáo các biến cố bất lợi (Adverse Event – AE) liên quan sản phẩm và trả lời khách hàng
  • Huấn luyện nội bộ các quy trình chuẩn tiếp nhận, báo cáo và xử lí AE
  • Hỗ trợ RA trong quản lí và báo cáo các an toàn tới Cơ quan y tế (Health Authority)
  • Liên kết Medical Affairs trong xem xét, phê duyệt an toàn theo yêu cầu của Cơ quan y tế
  • Hỗ trợ Quality Assurance trong đảm bảo chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường

Các vị trí bạn có thể tham khảo là Drug Safety Specialist/ Associate (Chuyên viên an toàn thuốc) -> Pharmacovigilance Manager/ Drug Safety Manager (Quản lí Cảnh giác Dược) -> Country Safety Lead 

Nếu bạn có ưu thế về ngoại ngữ, kĩ năng phân tích, giải quyết vấn đề và giao tiếp tốt, công việc có thể phù hợp với bạn.

Training

Công việc cuối mình có thể giới thiệu bạn là Đào tạo (Training). Để trở thành một trainer, bạn cần tích luỹ kinh nghiệm  trong việc huấn luyện liên quan đến kĩ năng và quy trình cho nhiều phòng ban khác nhau (sale, MKT, thầu,…)

Ở đây mình chỉ đề cập đến nhiệm vụ đào tạo đội ngũ TDV. Công việc chủ yếu bao gồm:

  • Nghiên cứu các mô hình kĩ năng đào tạo
  • Đào tạo các kĩ năng đội ngũ TDV giới thiệu thông tin sản phẩm và thuyết phục khách hàng như: cuộc nói chuyện với bác sĩ (call), thuyết trình (presentation), …
  • Tổ chức đánh giá năng lực TDV hàng quý, hàng năm
  • Liên hệ các tổ chức đào tạo khác nhằm bổ sung các kĩ năng bài bản cho TDV

Nếu bạn đã tích luỹ kinh nghiệm nhiều trong mảng sale và MKT, kèm theo kĩ năng lãnh đạo, tổ chức và quản lí công việc, sáng tạo và truyền cảm hứng, bạn có thể thử sức mình ở vị trí này nhé.

Đây chỉ là những tìm hiểu và trải nghiệm trong khuôn khổ hiểu biết của bản thân mình. Ngoài ra, công ty Dược còn có rất nhiều công việc khác nữa như Quality Assurance, Medical Information, .. Trong khuôn khổ bài viết này mình chỉ xin để cập tới các nhánh công việc nêu trên nhé.

Mình hi vọng rằng những chia sẻ của mình sẽ cho bạn chút động lực về mức độ rộng lớn về ngành nghề mà một dược sĩ có thể làm. Bạn có thể xem lại các điểm mạnh, yếu, sở thích và định hướng của bản thân để có lựa chọn đúng đắn nhé. 🙂

Ngay cả khi bạn không thích phát triển với Dược thì hãy chọn nghề nghiệp với sở trường của bạn cũng được nè 🙂

Mình chúc bạn ngày càng thành công với lựa chọn nghề nghiệp tương lai của bản thân nha. 🙂

Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết của mình nhé 😀

Nguồn tham khảo:

6 Reasons Why Pharmaceutical Careers are Lucrative | BioSpace

What are the pros and cons of working in a pharmaceutical company? – Quora

Gửi yêu thương!

Stay positive, be present!

Oanh

Nếu các bạn có góp ý cho bài viết thì comment bên dưới hoặc Facebook Page của blog nhé. Mình luôn ghi nhận và trân trọng các góp ý chân thành từ bạn để phát triển blog tốt hơn.

—————————————————————————————————————–

Nếu bài viết này hữu ích với bạn, có thể cũng sẽ hữu ích với người khác.

Hãy chia sẻủng hộ cho blog Vũ Ngọc Oanh để giúp blog duy trì phi lợi nhuận bạn nhé.

Disclaimer: Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog. 

 

 

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *