04 Mẹo Nhỏ Giúp Mình Đọc Nhanh Nghiên Cứu Khoa Học

Là sinh viên Y Dược chắc hẳn bạn đã phải ít nhất tiếp xúc ít nhất một lần với bài báo khoa học rồi nhỉ. Và việc đọc nhanh và ghi chú nghiên cứu khoa học hiệu quả cũng là một phần các kĩ năng ta cần rèn luyện mỗi khi làm khoá luận, tiểu luận, hay làm seminar thực hành nè.

Trong công việc bán hàng (Trình dược viên – Med Rep) hay chuyên viên thông tin y khoa (Medical Science Liaison), khách hàng của mình chủ yếu là nhân viên y tế. Họ là những bác sĩ, dược sĩ có độ hiểu biết rộng về chuyên môn và thực hành lâm sàng. Vì vậy, việc giao tiếp và truyền tải thông tin với họ yêu cầu bản thân mình nắm các kiến thức và thông tin khoa học một cách rõ ràng và chính xác.

Tính chất công việc yêu cầu mình cần phải tìm, đọc và ghi nhớ ngắn gọn các thông tin khoa học nổi bật từ nhiều nguồn. Với một “rừng” các nghiên cứu về thuốc/ thiết bị, việc đọc hiểu và nắm bắt nhanh các thông tin thực sự là một điểm cộng giúp mình bắt kịp công việc và nâng cao năng suất làm việc của bản thân.

Và mình chợt muốn viết ra vài chia sẻ nhỏ với bạn một số điều bản thân đã học, biết, làm và thu nhặt được về cách làm sao đọc và ghi chú nhanh bài báo khoa học.

Nếu bạn có quan tâm, bạn cùng mình tìm hiểu một số chú ý dưới đây bạn nhé.

Cũng giống như đọc sách cần biết tên sách và tác giả, trước khi tìm hiểu chi tiết về nghiên cứu thì việc nắm thông tin cơ bản cũng quan trọng không kém. Mình thường hay xem lướt qua các thông tin bao gồm:

  • Tên nghiên cứu (kèm từ viết tắt nếu có)
  • Tác giả
  • Mục tiêu ngắn gọn của nghiên cứu
  • Năm đăng báo/ tạp chí/ tập san
  • Nơi đăng báo/ tạp chí/ tập san

Đọc qua phần tóm tắt

Trong một bài báo khoa học (scientific article), Abstract là phần đầu tiên, tóm tắt phần lớn các thông tin và kết quả nổi bật nhất của một nghiên cứu. Việc đọc tóm tắt giúp mình lướt qua cấu trúc và nhanh chóng nắm bắt nội dung chính của nghiên cứu. Phần lớn các bài báo khoa học đều sẽ bao gồm các mục sau:

  • Introduction (Lời giới thiệu): nêu ra mục đích và lí do/ bối cảnh thực hiện nghiên cứu
  • Methods (Phương pháp): nêu ra cách thức tác giả thực hiện nghiên cứu
  • Results (Kết quả): tác giả tìm thấy gì sau nghiên cứu
  • Discussion/ Conclusion (Thảo luận/ Kết luận): Giải thích kết quả và nêu ra ý nghĩa của nghiên cứu

Sau khi đọc qua phần tóm tắt, mình có thể mạnh dạn bỏ qua các bài báo khoa học nếu các thông tin và nội dung của nghiên cứu ấy không phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của bản thân. Tại bước này mình đã tiết kiệm được khá thời gian cho bản thân tránh sa đà vào tìm hiểu các thông tin không cần thiết. 🙂

Lướt qua các hình và bảng mô tả

Với các bài báo được chọn, bên cạnh tóm tắt, hình ảnh và bảng biểu là phần mình chú ý thứ hai. Xem hình ảnh trước giúp mình định hình được một phần các thông tin cần tìm trước khi đọc hết về chi tiết liên quan trong bài báo khoa học.

Các loại hình và bảng mình thường chú ý đến bao gồm:

  • Hình thiết kế nghiên cứu: thường là dạng sơ đồ hoặc hình mô tả, giúp mình biết về dạng thử nghiệm, lộ trình tuyển bệnh, theo dõi (follow – up) và kết thúc của một nghiên cứu,…
  • Hình biểu đồ mô tả kết quả nghiên cứu: thường là dạng biểu đồ thể hiện các thông tin liên quan đến hiệu quả và an toàn của các liệu pháp can thiệp ( thuốc, thiết bị, thực phẩm chức năng, …)
  • Bảng kết quả: cho mình số liệu kết quả cụ thể của từng nhóm, phân nhóm. Bảng cùng với hình, biểu đồ nêu các thông tin chi tiết hơn để mình xem xét

Ghi chú bằng công thức PICO (hoặc PICOT)

Trong y học thực chứng (evidence based medicine), PICO được coi là một mô hình dùng để xây dựng các câu hỏi nghiên cứu. PICO là từ viết tắt của Population – Intervention – Comparison – Outcomes. Thông thường nhà nghiên cứu sẽ sử dụng PICO để tạo nên cấu trúc và phương pháp của nghiên cứu.

Công việc của mình không phải là làm nghiên cứu nhưng cần áp dụng nghiên cứu vào công việc, giúp mang thông tin đến cho khách hàng áp dụng trên lâm sàng. Vì vậy mình cũng sử dụng PICO để tìm kiếm và đọc hiểu dữ liệu được nhanh hơn. Với trải nghiệm công việc của mình tiếp xúc nhiều với thử nghiệm lâm sàng (clinical trials), mình nhận thấy PICO thể hiện khá rõ nét.

Vậy PICO đại diện cho điều gì? Bạn có thể xem tiếp dưới đây nhé.

P (Patients/ Population)

Bạn có thể hiểu đây là khía cạnh liên quan đến câu hỏi:

  • Đối tượng bệnh nhân trong nghiên cứu là gì?
  • Dân số nghiên cứu như thế nào?
Liên quan đến các thử nghiệm lâm sàng (clinical trials), những thông tin nhỏ hơn về đối tượng nghiên cứu mình hay xem qua có thể bao gồm đặc điểm nhân khẩu học ( tuổi, giới, chủng tộc, …), tình trạng sức khoẻ ( dựa theo các thang đo để đánh giá), vấn đề bệnh lí liên quan đến nghiên cứu (các yếu tố nguy cơ, độ nặng của bệnh, bệnh đi kèm, các thuốc đang điều trị, vv).
Ghi chú sơ lược các thông tin này cho mình định hình cụ thể về đặc điểm đối tượng mục tiêu của nghiên cứu. Mình sẽ nhận định một số khác biệt với đối tượng nghiên cứu của các thuốc/ thiết bị đối thủ cạnh tranh khác. Và điều quan trọng là chúng giúp mình tự tin khi cung cấp và trao đổi với nhân viên y tế về những hiệu quả và lợi ích riêng biệt của sản phẩm trên từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.

I (Intervention)

Mình tạm dịch đây là “biện pháp can thiệp”. Dễ cho dễ hiểu, bạn có thể hình dung phần này trả lời cho câu hỏi: “Nghiên cứu này tiến hành can thiệp điều trị gì trên bệnh nhân?”.

Mình thường ghi chú thuốc, hoạt chất, thiết bị dùng cho bệnh nhân nhóm can thiệp. Can thiệp điều trị thường gặp trong thiết kế nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả và an toàn biện pháp can thiệp như thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm thực địa hoặc can thiệp cộng đồng.

C (Comparison/ Control/ Comparator)

Phần này mình thường trả lời cho câu hỏi: “Nhánh so sánh của liệu pháp can thiệp trong nghiên cứu là gì?”.

Đa số các thử nghiệm lâm sàng sẽ bao gồm hai nhánh nghiên cứu. Một nhánh là thuốc/ thiết bị nghiên cứu, một nhánh là giả dược (placebo) hoặc thuốc/ thiết bị điều trị chuẩn (standard treatment choice) tại thời điểm nghiên cứu.

Trong một vài trường hợp nghiên cứu chỉ tiến hành theo dõi hiệu quả điều trị của một sản phẩm theo thời gian, một số lựa chọn cho nhánh còn lại có thể là theo dõi chờ đợi (watchful waiting), không sử dụng sản phẩm cũng có thể được cân nhắc.

Kết hợp giữa Intervention Comparison cho mình định hình cơ bản về các nhánh bệnh nhân và liệu pháp điều trị tác động lên các bệnh nhân đó.

Khi ghi chú phần hai phần này, mình cũng không quên lưu ý  loại nghiên cứu ( S- Study type) vì chúng liên quan với nhau. Các loại nghiên cứu có thể là nghiên cứu đoàn hệ (Cohort), thử nghiệm lâm sàng phân bổ ngẫu nhiên có nhóm chứng (randomized controlled trial), …

O (Outcomes)

Phần này là quan trọng nhất nhằm nêu bật những kết quả nổi trội của nghiên cứu, và mình thường trả lời cho câu hỏi:

  • Nghiên cứu có thành công hay không?
  • Kết quả mình mong muốn tìm thấy là gì?
  • Có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trong thực hành lâm sàng hay không? Ý nghĩa là gì?
  • Áp dụng kết quả trong bối cảnh nào, chỉ định nào?
Tuỳ vào loại thuốc/ thiết bị và thiết kế nghiên cứu mà các tiêu chí về kết quả mình cần tìm sẽ khác nhau. Mình thường tìm hiểu tóm tắt các thông tin về:
  • Kết quả tập trung về hiệu quả điều trị của liệu pháp can thiệp (giảm nguy cơ biến cố hay tử vong, giảm đau, cải thiện triệu chứng, duy trì chức năng, nâng cao chỉ số chất lượng cuộc sống, ..)
  • Kết quả về an toàn cho bệnh nhân.
Mặc dù PICO là công thức chuẩn mình hay sử dụng để khái quát thông tin chính của nghiên cứu khoa học, mình cũng thường thêm một yếu tố nữa để ghi chú được chi tiết hơn. Đó là:

T (Time)

T (Time) dùng để biểu thị các thông tin liên quan đến thời gian trong nghiên cứu. Mình thường sử dụng các câu hỏi để khu trú tìm kiếm tốt hơn. Ví dụ như bên dưới:

  • Thời gian tiến hành nghiên cứu?
  • Thời gian áp dụng biện pháp can thiệp trong nghiên cứu?
  • Thời gian phát hành nghiên cứu trên báo/ tập san?
  • Thời gian liệu pháp điều trị duy trì hiệu quả cho bệnh nhân sau khi nghiên cứu kết thúc?
Thông thường, các mục trong PICO cũng có liên quan phần nào đến phần tóm tắt (Abstract). Bạn có thể so lại với các ghi chú của bản thân và bổ sung thêm chi tiết theo PICO để không mất thời gian nha.
Tổng kết lại bài viết, lộ trình bạn có thể áp dụng cho bản thân khi đọc bài báo khoa học là
  • Bước 1: Tìm hiểu thông tin tổng quan
  • Bước 2: Đọc tóm tắt và ghi chú thông tin tóm tắt
  • Bước 3: Lướt qua các phần minh hoạ
  • Bước 4: Đọc phần còn lại và ghi chú PICO

Trên đây là một vài điểm chú ý mình hay sử dụng để đọc nhanh nhưng vẫn nắm đủ ý chính các nghiên cứu khoa học. Những chú ý này giúp mình loại trừ các thông tin ít liên quan hoặc không phù hợp khi truyền tải tới khách hàng hay khi lên chiến lược sản phẩm.

PICO (hoặc PICOT) như là xương sống (back bone) để mình tổng hợp và “tiêu hoá” lượng dữ liệu lớn một cách hiệu quả và ngắn gọn trong khoảng thời gian tiết kiệm. Đương nhiên là với một số các nghiên cứu quan trọng, bạn vẫn cần đọc kĩ để có thể cung cấp và giải đáp thông tin chính xác đến khách hàng bạn nhé.

Ghi dài dòng vậy thôi nè, chứ áp dụng vào là rẹt rẹt nhanh thôi. Số lượng thông tin cơ bản bạn cần ghi chú cũng không nhiều lắm đâu 🙂 Dành thời gian vừa đủ với phương pháp hợp lí để thu được kết quả mong muốn trong công việc luôn là mong ước của bản thân mình. Để chi ha? Để mình tự do làm những việc khác mình thích vào những lúc khác ấy 😀

Hi vọng những ghi chú nhỏ này sẽ giúp bạn chút nào ấy và thấy nhẹ nhàng hơn khi đọc tài liệu khoa học nhé. 🙂

Cảm ơn bạn thật nhiều đã đọc hết bài viết và ủng hộ mình nha! 🙂

Stay positive, be present!

Oanh

Nếu các bạn có góp ý cho bài viết thì comment bên dưới hoặc Facebook Page của blog nhé. Mình luôn ghi nhận và trân trọng các góp ý chân thành từ bạn để phát triển blog tốt hơn.

—————————————————————————————————————–

Nếu bài viết này hữu ích với bạn, có thể cũng sẽ hữu ích với người khác.

Hãy chia sẻ và ủng hộ cho blog Vũ Ngọc Oanh để giúp blog duy trì phi lợi nhuận bạn nhé.

Disclaimer: Thông tin trên bài viết chỉ là những chia sẻ dựa trên cảm nhận và trải nghiệm và hiểu biết của cá nhân, không đại diện cho bất kì tổ chức nào. Nếu bạn có đăng lại bài, vui lòng dẫn nguồn tên mình và địa chỉ của blog. 

Bài viết được đề xuất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *